Bài, ảnh: B.Kiên
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ÐT), đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29), TP Cần Thơ đã đạt được thành tựu nổi bật. Từ đó đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân, xứng tầm vị thế trung tâm đồng bằng trong lĩnh vực GD&ÐT.
Một buổi học của học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm. Ðây là một trong các trường đạt chuẩn quốc gia của thành phố.
Phát triển đội ngũ, trường lớp
Tháng 11-2013, Nghị quyết số 29 được ban hành, tạo bước chuyển mới trong hoạt động GD&ÐT của cả nước. Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chương trình số 47-CTr/TU ngày 11-2-2014 thực hiện Nghị quyết số 29. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình số 47-CTr/TU. Nhiều văn bản cụ thể hóa các vấn đề về GD&ÐT của HÐND, UBND thành phố được xây dựng và triển khai, hướng đến phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế – xã hội, gắn với thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 29.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Trong 10 năm qua, thành phố đã nghiêm túc triển khai đổi mới căn bản và toàn diện GD&ÐT theo Nghị quyết số 29, tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14. Sự nghiệp GD&ÐT thành phố phát triển vững chắc, chất lượng và hiệu quả GD được duy trì, ổn định và từng bước được nâng lên, vị thế của GD TP Cần Thơ ngày càng được khẳng định so với cả nước”. Tính đến ngày 31-12-2022, tổng kinh phí đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, mở rộng trường lớp, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD&ÐT theo lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn thành phố là 548.411 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, thời gian qua, Sở đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành thành phố, UBND quận huyện, tham mưu UBND thành phố đầu tư các dự án xây dựng trường THPT từ nguồn vốn ngân sách thành phố giai đoạn 2013-2022, với tổng kế hoạch vốn bố trí trên 961,9 tỉ đồng; phân bổ đầu tư kịp thời nguồn vốn theo tiêu chí định mức để các quận, huyện bố trí vốn thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường theo phân cấp. Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết: “So với trước đây, mạng lưới trường lớp và quy mô học sinh không ngừng phát triển ở tất cả các bậc học, cấp học. Thành phố đã huy động nhiều nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa”. Tính lũy kế đến ngày 15-3-2023, thành phố có 344/447 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 76,96%.
Song song đó, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đảm bảo theo quy định và phù hợp với thực tế của từng địa phương. Ngành GD thành phố có 14.480 viên chức, nhân viên; tỷ lệ cán bộ quản lý đạt và vượt chuẩn là 100%; tỷ lệ giáo viên trực tiếp giảng dạy từng cấp học đạt chuẩn về trình độ đào tạo khá cao, đa số đều có ý thức tự học, tự rèn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, cho biết: Hệ thống trường lớp đầy đủ, đạt chuẩn; đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới, đã tạo động lực phát triển về chất lượng GD của địa phương.
Bên cạnh thành tựu bậc mầm non và phổ thông, GD đại học và GD chuyên nghiệp phát triển mạnh. Trong đó, thành phố có 5 trường đại học, 2 phân hiệu đại học đóng trên địa bàn; với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm củng cố và phát triển cả về số lượng, chất lượng và ngành nghề đào tạo. Năm 2022, các cơ sở GDNN đã tuyển mới và đào tạo 47.911 người (trong đó có 9.846 học sinh, sinh viên), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong nền kinh tế của thành phố lên 80,42%, tăng 4,42% so với năm 2021”.
Một buổi học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ.
Ðổi mới theo hướng hiện đại
Thực hiện Nghị quyết 29, ngành GD thành phố còn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao toàn diện chất lượng ở các bậc học. Ðơn cử như mô hình Trường điển hình đổi mới, phương pháp Giáo dục hành động theo dự án Windy… Trong đó, mô hình Trường điển hình đổi mới được các tỉnh, thành trên cả nước và Bộ GD&ÐT, xã hội đánh giá cao, góp phần làm chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục; tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới trên địa bàn thành phố. Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, việc thực hiện các mô hình hay đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà. Nhiều năm liền, học sinh lớp 12 thành phố tốt nghiệp THPT đạt trên 98%; là đơn vị giữ vững thành tích dẫn đầu khu vực ÐBSCL trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia. Nhất là trong 2 năm (2021, 2022) thành phố đều có học sinh đoạt giải Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế.
GD đại học đã phát triển về quy mô, chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu bối cảnh hội nhập quốc tế. Ðiển hình Trường Ðại học Cần Thơ đã khẳng định được vị trí, vai trò trung tâm, đứng đầu về đào tạo bậc đại học trong vùng ÐBSCL; đặc biệt là năm 2015 trường được Chính phủ nước ta và Chính phủ Nhật Bản chấp thuận thông qua 2 dự án (Dự án nâng cấp và Dự án tăng cường năng lực), với mục tiêu nâng cấp Trường Ðại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc, được quốc tế công nhận trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản ở vùng ÐBSCL.
Trong khi đó, các cơ sở GDNN cũng được đầu tư theo hướng tập trung vào các nghề trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, hằng năm tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 80%. Ðặc biệt, đầu tư Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ thành 1 trong 45 trường chất lượng cao của cả nước theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Ðầu tư các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia cho các trường cao đẳng: Nghề Cần Thơ, Cần Thơ, Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ, Y tế Cần Thơ, Du lịch Cần Thơ…
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, GD&ÐT thành phố đã có bước phát triển vượt bậc. Dù vậy, TP Cần Thơ vẫn còn một số khó khăn. Chẳng hạn, tại một số địa phương, việc mở rộng diện tích đất xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo đủ phòng học, các phòng chức năng nhằm đáp ứng 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày và xây dựng trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia còn gặp khó khăn. Việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhất là đối với các môn học mới (Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Ðịa lý). Dự báo nhu cầu để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, số giáo viên còn thiếu là 459 người;…
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của TP Cần Thơ vừa diễn ra, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 29, Kết luận số 51 của Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT. Tăng cường phối hợp, tham mưu ban hành các nghị quyết, kế hoạch về phát triển GD&ÐT, qua đó tạo hành lang pháp lý, cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong đầu tư, thu hút nguồn lực phát triển GD&ÐT.