Đại biểu cho rằng đầu tư công những năm qua được gắn với những cụm từ chậm, rất chậm và quá chậm, “như một căn bệnh mãn tính chưa có phác đồ điều trị”.
Ngày 6.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Cho ý kiến về dự án luật, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, đầu tư công có vai trò quan trọng, mang tính dẫn dắt phát triển. Tuy nhiên, đầu tư công trong những năm qua được gắn với những cụm từ như “chậm”, “rất chậm” và “quá chậm”, “như một căn bệnh mãn tính chưa có phác đồ điều trị”.
Về trường hợp cần thiết tách riêng việc bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng thành các dự án độc lập tại dự luật, đại biểu cho biết, quy định này giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án đã đang được triển khai.
Theo đại biểu Đoàn Đắk Nông, hiện đa số các dự án chậm là do khâu giải phóng mặt bằng. Bây giờ, việc tách ra thành hai thành phần thuộc dự án tạo điều kiện để địa phương chủ động hơn, giải quyết khâu mặt bằng, đảm bảo dự án triển khai đồng bộ.
Vị đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn như thế nào là “trường hợp thực sự cần thiết” để việc tách hay hình thành dự án bồi thường cho rõ để tránh việc làm sai, sợ sai trong triển khai thực hiện.
Đồng thời, nếu tách riêng việc bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng cần phải có cơ chế quy định chặt chẽ, tránh tình trạng sau khi giải phóng dự án không triển khai gây lãng phí nguồn lực.
Thời gian tách riêng việc bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án không vượt quá tổng thời gian bố trí vốn trong dự luật.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng vấn đề quy trình thủ tục thực hiện đầu tư dự án công cần phải được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án.
Đại biểu nêu rõ, thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau như đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy.
Theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian.
Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác.
Theo đại biểu, tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên (tùy theo loại dự án A, B hay C) sẽ kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày mới khởi công xây dựng, tức là phải hơn 8 tháng kể từ lúc HĐND thông qua mới thực hiện.
Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan.
Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm trường hợp dự án bị ảnh hưởng tiến độ do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo đại biểu, việc này để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn đối với dự án theo tuyến, dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, nhất là đối với các dự án giao thông, dự án khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/dau-tu-cong-cham-nhu-benh-man-tinh-chua-co-phac-do-dieu-tri-1417776.ldo