Kinhtedothi – Theo đại biểu Quốc hội, đầu tư công đã tạo ra sự đột phá cho phát triển, tuy nhiên, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao lại chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư về cơ sở vật chất trên lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế…
Sáng 5/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế
Thảo luận ở hội trường, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) khẳng định, đầu tư công đã tạo ra sự đột phá cho phát triển, tuy nhiên, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao lại chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư về cơ sở vật chất trên lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế…
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, ngày 3/11 vừa qua, nhân chuyến đi họp ở Việt Trì, đại biểu đã đến thăm Bệnh Viện Đa Khoa và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, là 2 bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ. “Tôi thực sự ngạc nhiên, không tin đấy là bệnh viện vì nhìn đẹp như khách sạn 5 sao. Bên trong bệnh viện, các khu vực đón tiếp, khám, điều trị và phòng bệnh nội trú, khu dịch vụ, khu vui chơi của trẻ em y như một bệnh viện quốc tế. Bệnh viện đã thực hiện tự chủ hoàn toàn, trình độ kỹ thuật về hỗ trợ sinh sản được xếp nhóm 5 toàn quốc. Người bệnh ở đây thật may mắn được hưởng dịch vụ y tế tốt và điều kiện chăm sóc điều trị rất tiện nghi; không phải chen chúc, chật chội, thậm chí nằm ghép chung giường kín đặc như một số bệnh viện lớn ở Trung ương” – đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, điều trăn trở của lãnh đạo bệnh viện không phải là kỹ thuật y khoa, cũng không phải vướng mắc trong mua sắm thuốc hay thiết bị y tế; mà điều khó khăn nhất với bệnh viện là làm thế nào để để trả lãi 11% vốn vay xây dựng cơ sở vật chất hiện đại đó.
Đại biểu chỉ ra, nếu chỉ tính khấu hao để tái đầu tư và bù đắp chi thường xuyên theo đúng tinh thần tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên, bệnh viện rất yên tâm thực hiện tự chủ, giá dịch vụ y tế sẽ ở mức vừa phải, người bệnh có thể chi trả được. Nhưng nếu phải cộng thêm vào đó chi phí lãi suất vốn vay 11%, giá dịch vụ y tế sẽ đội lên rất cao. Điều vô lý là người bệnh đáng ra chỉ phải trả cho chi phí dịch vụ khám chữa bệnh, bây giờ lại phải đi trả thêm một khoản nữa là lãi vay ngân hàng. Theo đại biểu, đây là lý do, vì sao một số bệnh viện lớn ở Trung ương không dám nhận thực hiện tự chủ.
Đại biểu cho rằng, điều tương tự như thế cũng xảy ra đối với các trường đại học tự chủ. Nếu được nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu đầy đủ, các trường chỉ phải lo khấu hao để tái đầu tư và chi thường xuyên, chi phí đào tạo mới thấp.
Tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị lĩnh vực giáo dục, y tế
Dẫn ví dụ ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân nơi đại biểu công tác, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, nhờ có tòa nhà Trung tâm được đầu tư đồng bộ, các phòng học, thư viện hiện đại, không gian sinh hoạt rất tiện nghi, phục vụ sinh viên không chỉ giờ lên lớp, mà cả lúc đến trường để tham gia các hoạt động, vào thư viện tự học, nhưng học phí hệ đại trà (không phải tiến tiến hay chất lượng cao) vẫn thuộc diện học phí thấp trong các trường đại học. Tuy nhiên, khu ký túc xá hiện nay xuống cấp, nếu trường tự đi vay vốn ngân hàng về xây lại, chắc chắn giá thuê sẽ rất cao vì phải trả cả lãi vay và vốn. Điều này không phù hợp với khả năng thanh toán của người học. Đây cũng là lý do vì sao nhiều đại biểu đã phát biểu và đặt vấn đề là các trường đại học tự chủ có mức học phí rất cao, bởi vì rất có thể trong học phí đó có cả tiền lãi suất ngân hàng và tiền vốn đầu tư ban đầu.
Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, cần cân nhắc lại việc phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho các cơ sở y tế và giáo dục, ít nhất phải đủ đầu tư xây dựng và trang bị cơ sở vật chất ban đầu, sau đó giao cho các trường, các bệnh viện tự chủ tự lo khấu hao để tái đầu tư và bù đắp chi phí thường xuyên. Theo đại biểu, làm như thế, các cơ sở y tế, giáo dục mới thực hiện tự chủ đúng nghĩa, người bệnh và người học không phải gánh chịu những chi phí cao; dịch vụ giáo dục và y tế.
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Lê Quân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cảm ơn Chính phủ, các Bộ, ngành đã tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến ODA và các ưu tiên đầu tư tại Đại học Quốc gia Hà Nội, giúp Đại học bước đầu khai thác hiệu quả, đầu tư, đưa gần 10.000 sinh viên lên Hòa Lạc, trong năm 2025 sẽ khánh thành bệnh viện đáp ứng nhu cầu đào tạo, thực hành của Trường Đại học Y dược.
Đại biểu cho biết, qua kinh nghiệm từ một số trường đại học hàng đầu của các nước, có thể thấy, đại học có nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ giảng viên, nhà khoa học đông đảo, có khối tài sản công rất lớn, chỉ còn thiếu cơ chế để có thể vận hành tự chủ và tạo nguồn thu lớn. Đại biểu kiến nghị pháp luật về sử dụng tài sản công cần cởi mở hơn với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục.
Theo đại biểu Lê Quân, Luật Thủ đô đã có những quy định ưu việt trong sử dụng tài sản công, tuy nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trên địa bàn Hà Nội nhưng không phải là đối tượng áp dụng của Luật Thủ đô. Đại biểu kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý sử dụng tài sản công theo hướng giúp đại học được chủ động hơn trong khai thác hiệu quả tài sản công theo quy chế tài chính, có kiểm toán đầy đủ, mang lại các nguồn thu, đáp ứng được nhu cầu phát triển của Đại học.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dau-tu-co-so-vat-chat-cho-linh-vuc-giao-duc-y-te-giai-phap-nao.html