Bài, ảnh: HÀ VĂN
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nguồn nước ngọt trong mùa khô hạn năm 2023 tại ÐBSCL bị sụt giảm so với bình quân nhiều năm, do tác động của dòng chảy thượng nguồn cực đoan, do các quốc gia sử dụng nước thượng nguồn sông Mekong cho hoạt động kinh tế, thủy điện, chia sẻ nguồn nước sản xuất… Vì vậy, ngay bây giờ các địa phương trong vùng cần lên kế hoạch ứng phó…
Nạo vét kênh nội đồng ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Thi công công trình Thủy lợi
TP Cần Thơ đang gấp rút thi công các công trình thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh, rạch trong những tháng mùa khô năm 2023. Nhiều năm qua hệ thống thủy lợi trên địa bàn đóng góp vào thành tựu sản xuất nông nghiệp của thành phố. Ðiển hình, mỗi năm TP Cần Thơ sản xuất 3 vụ lúa, với sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn. Sản lượng cây ăn trái đạt gần 170.000 tấn, nuôi thủy sản đạt sản lượng trên 220.000 tấn… Kết quả trên nhờ hệ thống hạ tầng nông nghiệp, đê bao, kênh mương cung cấp nước được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, thủy lợi mùa khô được chính quyền cơ sở đồng bộ ra quân thực hiện…
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương ở ÐBSCL, TP Cần Thơ vừa thuận lợi với hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt nhưng gặp bất lợi do hiện tượng bồi lắng tự nhiên, chịu ảnh hưởng mùa nước nổi và triều cường. Vì vậy các công trình thủy lợi nội đồng phải khởi động triển khai trong những tháng đầu năm để kịp hoàn thành trước tháng 9 khi nước đầu nguồn đổ về. Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ cho biết: “Theo kế hoạch các công trình thủy lợi mùa khô, năm 2023 thực hiện với tổng khối lượng nạo vét là 378.000m3, nâng cấp, gia cố đê bao với khối lượng khoảng 22.000m3. Tổng kinh phí thực hiện trên 10 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách và nhân dân đóng góp. Ðến nay tiến độ thực hiện đạt trên 50%. Diễn tiến trên các công trình thủy lợi nội đồng dự kiến hoàn thành xong trong tháng 8. Công trình xây dựng đê bao kênh A7, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ đang thi công đến cuối năm hoàn thành. Riêng một số kênh trục cấp 2 theo định kỳ sau 5-7 năm cần nạo vét, tạo nguồn dẫn nước, sử dụng từ nguồn vốn đầu tư trung hạn, thành phố lập kế hoạch theo thứ tự ưu tiên để tiếp tục thi công…”.
Theo Sở NN&PTNT, nhờ công trình trên sản xuất nông nghiệp của thành phố đạt hiệu quả năm sau cao hơn năm trước. Lúa, gạo là một trong những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao và đóng góp đáng kể cho xuất khẩu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thế giới. Ðiển hình, năm 2022 sản xuất lúa tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết không thuận lợi, mưa trái mùa, dịch bệnh… ảnh hưởng năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó. Nhờ đó, năng suất sản xuất đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ðiển hình vụ lúa đông xuân 2022-2023, TP Cần Thơ xuống giống 75.028ha, vượt kế hoạch 1,13%, tổng sản lượng thu hoạch 562.066 tấn, năng suất cao hơn vụ lúa đông xuân 2021-2022 từ 0,1-0,2 tấn/ha, góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân. Ông Nguyễn Quí Ninh cho biết thêm: “Tuy hệ thống thủy lợi đã phát huy tác dụng, đảm bảo cấp và tiêu thoát nước cho vùng canh tác lúa, vườn cây ăn trái và vùng nuôi thủy sản nâng cao hiệu quả hằng năm. Nhưng, thời gian tới cơ sở hạ tầng nông nghiệp cần được đầu tư hoàn thiện trước thách thức biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết thất thường…”.
Cần có đê bao, trạm bơm
TP Cần Thơ là trung tâm vùng ÐBSCL với tốc độ phát triển đô thị và các khu công nghiệp mở ra trên nền tảng dựa vào lợi thế đất đai. Hiện thành phố có trên 114.000ha đất nông nghiệp, chiếm gần 80% diện tích đất tự nhiên. Trong đó có trên 78.000ha đất canh tác lúa, 1.900ha đất trồng cây hằng năm, 30.800ha đất trồng cây lâu năm và gần 2.800ha đất nuôi trồng thủy sản… Sản xuất nông nghiệp vẫn là một trong những trụ cột kinh tế phát triển ổn định, chiếm gần 6% trong tổng sản phẩm (GRDP) của thành phố. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ vẫn duy trì sản xuất lúa trên cánh đồng lớn, mỗi vụ trên 32.000ha, với hơn 23.500 hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất. Vùng chuyên canh cây ăn trái ở huyện Phong Ðiền cũng đã hình thành các tiểu vùng có đê bao bảo vệ chống ngập úng trong mùa mưa và các đợt triều cường.
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện nay thành phố đang triển khai Quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi tại khu vực sản xuất nông nghiệp với tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, thành phố quan tâm thực hiện và hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tại các vùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, như huyện Phong Ðiền, Cờ Ðỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh; các quận: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt. Trong đó tập trung xây dựng các hạng mục công trình cần thiết, cấp bách để bảo vệ an toàn 73.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất ổn định và giảm thiểu thiệt hại do triều cường, lũ, tăng cường trữ nước trong mùa khô, phòng chống hạn mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kết hợp phát triển hệ thống giao thông nông thôn; xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo kiểm soát ngập lụt và vận hành linh hoạt theo từng cấp độ, ổn định sản xuất theo phân vùng quy hoạch thủy lợi… Với quy hoạch này, TP Cần Thơ được chia thành 7 vùng thủy lợi cơ sở: vùng I (vùng Bắc Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh); vùng II (vùng Cái Sắn – Thốt Nốt), gồm cả khu vực đô thị; vùng III (vùng Thốt Nốt – Ô Môn); vùng IV (vùng Ô Môn – Xà No); vùng V (vùng Bình Thủy – Ninh Kiều) khu vực đô thị; vùng VI (vùng Nam Cái Răng); vùng VII (khu vực cù lao Tân Lộc và cồn Sơn).
Dù vậy, để mở rộng sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng cao, công tác thủy lợi cần tiếp tục đầu tư bổ sung hoàn chỉnh. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố có kế hoạch xây dựng vùng sản xuất lúa 50.000ha ở ba huyện Thới Lai, Cờ Ðỏ , Vĩnh Thạnh tham gia Ðề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL. Theo đó trên nền hệ thống kênh trục, kênh thủy lợi nội đồng đã được đầu tư cơ bản, Sở NN&PTNT dự toán kinh phí cần đầu tư khoảng 200 tỉ đồng nạo vét kênh, tạo nguồn cấp và tiêu thoát nước. Ðồng thời đầu tư hệ thống đê bao, bổ sung thêm trạm bơm cho các tiểu vùng sản xuất lúa. Ðối với các vùng đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái do địa phương đầu tư vừa qua, hiện đã xuống cấp cần được khảo sát, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh…