Đầu tư phải có lỗ, có lãi nên nếu cán bộ tiêu cực, tham nhũng phải xử lý nhưng thua lỗ do yếu tố khách quan cần phải cân nhắc khi kết luận thất thoát vốn nhà nước.
Sáng 23-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bao nhiêu người đi tù vì bị cho làm thất thoát vốn nhà nước
Một trong những nội dung đại biểu quan tâm là quản lý phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp vừa có vốn nhà nước, vừa có vốn tư nhân như thế nào để sử dụng hiệu quả nhưng cán bộ dám làm, dám đầu tư.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng luật này rất quan trọng, liên quan nhiều đến cả công tác cán bộ.
Theo ông Nghĩa: “Nhà nước quản lý vốn nhà nước đến 50%, tức tư nhân có thể cổ đông tới 49%, nên nếu chính sách tốt sẽ huy động được nguồn lực, nhưng nếu không tốt sẽ không huy động được. Cần quy định rõ vấn đề về phần vốn nhà nước, không được nhập nhằng, bao nhiêu người tù tội vì sự nhập nhằng này”.
Phân tích sâu hơn, ông Nghĩa cho rằng cần quy định rõ vốn nhà nước là vốn điều lệ, còn phần vốn tăng lên trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp cần phân định rõ phần vốn thuộc về Nhà nước hay của các cổ đông khác.
“Nếu không phân định rõ ràng khi doanh nghiệp họ mang phần vốn tăng thêm đó đi đầu tư lỡ thua lỗ, cán bộ có thể bị quy trách nhiệm gây thất thoát tài sản nhà nước, trong khi thực tế phần vốn tăng thêm đó không hoàn toàn là của Nhà nước”, ông Nghĩa nêu nghịch lý và cho rằng cần quy định rõ cơ chế quản lý với phần vốn tăng thêm này để tạo điều kiện cho tư nhân yên tâm đầu tư.
Ông Nghĩa nhìn nhận: “Đầu tư có lời có lỗ, nhưng chúng ta lại đưa nguyên tắc bảo toàn vốn, do đó cần quy định kỹ chỗ này, nhất là với đầu tư của phần vốn gia tăng, tích lũy. Mặt khác, một doanh nghiệp có thể trải qua những thăng trầm, có giai đoạn lãi, lỗ, rồi lại vực dậy, do đó khi xem xét phải căn cứ nhiều yếu tố, kể cả yếu tố thị trường”.
Đại biểu đánh giá dự thảo luật này vẫn chưa giải quyết, tháo gỡ được tâm lý cho các nhà đầu tư, chưa thoát khỏi tư duy cũ. Nếu không chấp nhận lỗ lãi, Nhà nước không nên đầu tư.
“Đã đầu tư phải có lỗ, lãi, nên doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng phải có sự linh hoạt, dự án này lỗ, nhưng dự án khác lãi, tổng hợp lại vẫn hiệu quả là được. Nếu cán bộ tiêu cực, tham nhũng phải xử lý nhưng thua lỗ do những yếu tố khách quan cần phải được xem xét khi xử lý để bảo đảm sự phù hợp”, ông Nghĩa nói thêm.
Quy định cụ thể để doanh nghiệp tự tin sử dụng vốn
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng nước ta từng có số lượng doanh nghiệp nhà nước rất lớn, qua quá trình tái cơ cấu số lượng doanh nghiệp đã giảm.
Theo ông Ngân, thực tế có nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, cho đến nay vẫn đang giải quyết hậu quả và nhiều doanh nghiệp có tâm lý e ngại. Do đó luật này cần quy định rõ, giải quyết được các vấn đề hiện nay trong lĩnh vực này, làm sao để các doanh nghiệp tự tin sử dụng vốn.
Theo ông Ngân, hiện nay nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước đang rất “tắc”. Khi Nhà nước quyết định đầu tư vào doanh nghiệp vốn đó của Nhà nước, nhưng về với doanh nghiệp đó là vốn doanh nghiệp. Đầu tư phải có rủi ro, nếu do cố ý phải xử lý, còn rủi ro do các yếu tố khách quan thì phải chấp nhận.
“Cần có những phân cấp cho doanh nghiệp trong đầu tư để bảo đảm kịp thời, nhưng phải bảo đảm cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn để bảo đảm tránh tiêu cực, thất thoát. Khi thấy có dấu hiệu tiêu cực phải thanh kiểm tra ngay”, ông Ngân ý kiến.
Nhân lực trình độ cao là điểm nghẽn lớn nhất của ngành công nghiệp công nghệ số
Thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Vũ Hải Quân (TP.HCM) cho rằng điểm nghẽn lớn nhất của ngành công nghiệp công nghệ số hiện nay là nhân lực trình độ cao.
Theo ông Quân: “Đột phá phải về nhân lực, nhưng dự thảo luật thể hiện điều này còn mờ nhạt. Do đó chính sách phát triển nhân lực, cộng với thu hút nhân tài phải được coi là chìa khóa quan trọng để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số”.
Đại biểu cũng cho rằng cần có cơ chế linh động trong mua sắm hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn; cơ chế cho vấn đề dùng chung hạ tầng. Cơ chế đấu thầu, duy tu, bảo hành các trung tâm công nghệ dùng chung phải linh động, nếu không các trường lại phải trích từ học phí của sinh viên.
Đai biểu Trần Diệu Thúy (TP.HCM) cho rằng chính sách để phát triển nhân lực là vấn đề lớn. Hiện nay đào tạo nhiều nhưng trong khu vực công để tuyển rất khó vì lương thấp, do đó cơ hội chuyển đổi số trong khu vực công bị kìm hãm.
Bà Thúy đề nghị cần có chính sách cho các trường đại học mở rộng đầu tư ngành này; có chính sách để tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ số cho khu vực công, với mức lương hiện nay thì các em không vào nhà nước làm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dau-tu-co-lai-co-lo-khong-the-cu-lo-can-bo-lai-bi-quy-lam-that-thoat-von-nha-nuoc-20241123132543989.htm