Việc thu thuế “đồng giá” 0,1% giúp giảm thiểu thời gian quyết toán thuế cá nhân đầu tư chứng khoán, vốn rất phức tạp vì tài khoản chứng khoán không cố định, thậm chí biến động hàng giờ.
Hơn nữa, việc áp thuế 20% như phương án từng được đề xuất là quá cao.
Nhiều chuyên gia chứng khoán đã khuyến cáo như vậy, dù thừa nhận rằng việc áp thuế 0,1% trên giá trị từng lần bán chứng khoán, dù nhà đầu tư (NĐT) lỗ hay lãi là chưa hợp lý.
Trước đó, tại báo cáo đánh giá tác động thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mới đây, Bộ Tài chính thừa nhận việc bán chứng khoán lỗ vẫn đóng thuế 0,1% là “chưa phù hợp”, đồng thời cho biết sẽ xác định lại cách tính thuế thu nhập từ chứng khoán.
Thu 0,1% là đơn giản, minh bạch, hạn chế lướt sóng…?
Trao đổi với chúng tôi, anh Lân Hoàng, một NĐT chứng khoán (Hà Nội), cho biết với cách tính 0,1% như quy định hiện hành, khi bán chứng khoán được 100 triệu đồng, NĐT sẽ phải nộp TNCN 100.000 đồng, dù lỗ hay lãi.
“Khi bán chứng khoán bị lỗ, tức là mất thu nhập mà phải đóng thuế là sự bất hợp lý. Việc xem xét lại cách đánh thuế này là cần thiết”, anh Hoàng nói.
Một chuyên gia chứng khoán cho biết vào năm 2007, cơ quan thuế từng đề xuất phương án tạm thu thuế 0,1% với chuyển nhượng chứng khoán, sau khi quyết toán sẽ trừ 20% từ thu nhập.
Cụ thể, công ty chứng khoán sẽ tạm khấu trừ 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng, NĐT sẽ làm quyết toán thuế, kê khai sau. Nếu số thuế tạm nộp lớn hơn, NĐT sẽ được hoàn trả và ngược lại, phải đóng thêm nếu thiếu.
Trong trường hợp không xác định được giá vốn và các chi phí liên quan, NĐT sẽ phải nộp thuế 0,1% trên tổng giá từng lần bán. Nhưng đến 2014, cơ quan thuế quyết định áp dụng cách thu 0,1% trên mọi giao dịch như hiện tại.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, nguyên lý cơ bản của thuế TNCN là phải “đánh” trên thu nhập thực tế, lỗ sẽ không cần nộp.
Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Huy – giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC – cho rằng việc áp tỉ lệ 0,1% trên giá trị từng lần bán như hiện tại là đơn giản, minh bạch và thuận tiện với cả NĐT lẫn công ty chứng khoán.
Với các NĐT đang có lợi nhuận tốt, cách tính thuế này sẽ có lợi hơn so với việc nộp thuế mức 20% trên số lãi mang về.
“Hơn nữa, phương thức thu thuế hiện nay sẽ không có lợi với NĐT đầu cơ, giao dịch ngắn hạn với tần suất nhiều. NĐT càng giao dịch chứng khoán nhiều, Nhà nước càng thu được nhiều thuế. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy thị trường hướng tới đầu tư dài hạn hơn”, ông Huy nói.
Nhà đầu tư gặp khó nếu quyết toán thuế chứng khoán
Cũng theo ông Huy, với hệ thống thông tin quản lý đang còn khá manh mún, việc kết nối cơ sở dữ liệu giữa các công ty chứng khoán còn rời rạc như hiện nay, nếu phải quyết toán thuế sẽ khá phức tạp, sẽ tốn thêm nhiều thời gian cho cả NĐT và công ty chứng khoán.
Giám đốc một công ty chứng khoán khác bày tỏ lo ngại rằng nếu sửa theo hướng thu 20% lợi nhuận, nhưng lỗ không được khấu trừ thuế trong các năm tiếp theo sẽ trở thành điểm bất hợp lý. Bởi việc thu 20% trên lợi nhuận có được từ đầu tư chứng khoán là cao, nên cần xem xét cả việc khấu trừ thuế nếu NĐT thua lỗ.
“Việc nghiên cứu sửa đổi, áp dụng mức thuế và cách tính như thế nào cũng cần tính tới những tác động tới thị trường chứng khoán. Đây là một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, không nên để việc thu thuế quá cao hay bất hợp lý ảnh hưởng đến thị trường này”, vị này nói.
Ông Đặng Trần Phục, chủ tịch Công ty tư vấn và đào tạo tài chính AzFin, cũng cho rằng cơ chế thu thuế “đồng giá” 0,1% sẽ giảm thiểu thời gian quyết toán thuế cá nhân, cũng như công đoạn xác định giá mua/giá bán của cổ phiếu.
Trong khi đó, việc quyết toán thuế với hoạt động đầu tư chứng khoán rất phức tạp vì tài khoản chứng khoán không cố định, thậm chí biến động hàng giờ.
Thêm nữa, vấn đề cổ tức, quyền mua phát hành thêm và rất nhiều yếu tố khác có thể làm sai lệch giá vốn của NĐT, nên sẽ rất khó xác định lãi lỗ là bao nhiêu phần trăm…
“Hợp lý nhất là áp dụng với tất cả các giao dịch trong một năm, nếu NĐT có lãi sẽ phải đóng thuế. Nếu NĐT lỗ sẽ được cấn trừ thuế cho các năm sau khi có lãi”, ông Phục đề xuất.
Cũng theo ông Phục, việc đánh thuế 20% thu nhập rất phức tạp, cần nghiên cứu kỹ để có thể xây dựng quy định thuế phù hợp và hiệu quả, vừa tránh thất thoát thuế vừa tránh đánh thuế sai, tạo sự công bằng trong đầu tư chứng khoán.
“Để việc thu thuế hiệu quả với Nhà nước, thuận tiện với NĐT, cần đẩy mạnh giải pháp đồng bộ hóa dữ liệu giữa các công ty chứng khoán, tối ưu hóa quy trình thủ tục liên quan tới thuế”, ông Phục đề xuất.
Ông Nguyễn Hoàng Hải (phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam – VAFI):
Thuế thu nhập chứng khoán quá cao là bất hợp lý
Nếu áp mức thuế 20%/thu nhập (lợi nhuận) từ chứng khoán như phương án từng đưa ra trước đây là không phù hợp. Bởi mức thuế này tương đương thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp hạch toán được tất cả các chi phí phát sinh, còn NĐT cá nhân không thể ghi nhận được các chi phí bỏ ra.
NĐT phải chịu lãi vay margin, chi phí môi giới rồi các chi phí trang trải cuộc sống. Nếu không hạch toán được chi phí, không được giảm trừ gia cảnh, mức 20% đối với NĐT cá nhân là không khả thi, đặc biệt là với các NĐT chọn giao dịch chứng khoán là nghề kiếm sống và thu nhập chính.
Tại các thị trường phát triển như Mỹ hay nhiều nơi ở châu Á, khoản thu nhập từ chứng khoán để đánh thuế được tính dựa trên tổng thu nhập cả năm sau. Theo đó, thu nhập thấp có thể được miễn hoặc giảm thuế, và thua lỗ năm nay có thể được hoàn ở các năm tiếp theo.
VN chưa thể áp dụng theo cách thức các nước phát triển. Do đó có thể xem xét thu thuế chứng khoán vẫn với hình thức thuế khoán, nhưng giá bán trừ giá mua nếu có lãi thì đóng thuế 5%, còn lỗ thì không phải nộp. Ngoài ra, đề nghị xem xét lại mức nộp thuế với cổ phiếu thưởng vì quá cao, trong khi nhiều NĐT thua lỗ nặng.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, khi được chia thưởng, được trả cổ tức, NĐT sẽ bị khấu trừ 5% thuế TNCN. Tuy nhiên, vào các ngày chốt trả cổ tức, giá cổ phiếu đã giảm đi tương ứng tỉ lệ phần trăm cổ tức.
Về bản chất, tài sản của NĐT không tăng, thậm chí giá cổ phiếu có thể giảm khi thị trường kém thuận lợi. Do đó việc áp thuế 5% với cổ tức hay cổ phiếu thưởng là quá cao, chưa hợp lý.
Nghiên cứu bổ sung quy định riêng về thuế với chứng khoán phái sinh
Luật Chứng khoán năm 2019 quy định chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc tính thuế dựa trên toàn bộ giá trị bán với NĐT chứng khoán phái sinh là chưa được hợp lý.
Bộ Tài chính cũng thừa nhận có sự khác biệt về bản chất giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh. Theo đó, giá trị của chứng khoán phái sinh phụ thuộc vào giá trị của một hoặc nhiều loại tài sản cơ sở, NĐT nắm giữ chứng khoán phái sinh không được hưởng các quyền cổ đông như khi nắm giữ chứng khoán cơ sở.
Ngoài ra, trên thị trường phái sinh không diễn ra các giao dịch chuyển nhượng toàn bộ giá trị giao dịch và chuyển giao tài sản từ bên bán cho bên mua như thị trường cơ sở. Việc thanh toán chuyển giao giữa các NĐT chỉ là giá trị chênh lệch giá (lãi/lỗ).
Do vậy, Bộ Tài chính đồng tình cho rằng cần nghiên cứu bổ sung quy định riêng về thuế TNCN đối với chứng khoán phái sinh để đảm bảo phù hợp với thực tiễn cũng như đặc thù của hoạt động này, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế trong quá trình tổ chức thực hiện.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dau-tu-chung-khoan-co-lai-moi-nop-thue-nhieu-rac-roi-kho-kha-thi-20241213080341756.htm