Tới dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản…
Năm 2023 ngành xuất bản đối diện nhiều khó khăn. Sau một năm phát triển mạnh (năm 2022), đến năm 2023, trong bức tranh kinh tế chung, sức mua giảm sâu dẫn tới khó khăn cho toàn ngành sách. Thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy trong năm qua, toàn ngành xuất bản làm 33.000 xuất bản phẩm với 450 triệu bản (giảm 11% về xuất bản phẩm và giảm 23% về bản so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh đó, toàn ngành xuất bản đã nỗ lực, đạt được những kết quả ấn tượng. Doanh thu các nhà xuất bản ước đạt 3.700 tỷ đồng (tăng 15,6%). Điểm sáng của ngành xuất bản năm qua là sự phát triển của sách điện tử. Số đầu sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu (tăng 31,4%), đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3%, vượt chỉ tiêu 12%.
Nằm trong xu thế thời đại, các nhà xuất bản tích cực chuyển đổi số. Đến nay, có 24 nhà xuất bản đăng ký tham gia xuất bản điện tử, tăng 5 đơn vị so với năm 2022. Như vậy, số đơn vị được xác nhận xuất bản, phát hành sách điện tử trên tổng số nhà xuất bản tăng từ 33,6% lên 42,1%. Ngành xuất bản cũng phát triển nền tảng xuất bản và phát hành điện tử dùng chung, với sự tham gia của 23 đơn vị.
Ngành xuất bản thí điểm ứng dụng AI vào hoạt động xuất bản như phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông và Công ty WAKA triển khai ChatGPT hỗ trợ cho công tác biên tập tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; Xây dựng cổng thông tin kết nối giữa các nhà xuất bản và các cơ quan báo chí.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói trong xã hội bão hòa thông tin hiện nay, yêu cầu cấp thiết là cần phải biến thông tin thành tri thức, mà sách luôn là cái nôi của tri thức. Trong xu thế mới, ngành xuất bản cần tìm ra ưu thế của mình.
Sách hiện nay tiếp cận với công chúng qua nhiều hình thức như sách điện tử, sách nói, videobook… Các loại hình sách này được trưng bày trên các nền tảng, tiếp cận bạn đọc theo cơ chế dịch vụ, trả tiền. Cùng một cuốn sách, người đọc cùng sử dụng, nhưng có những trải nghiệm khác nhau, tương tác khác nhau.
Các loại hình sách mới xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường. Đó là minh chứng sinh động và rõ rệt nhất cho chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản. Do đó, con đường chuyển đổi của các đơn vị xuất bản cần tập trung theo hướng: đổi mới và phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản – công nghệ; sản xuất các sản phẩm xuất bản đặc sắc và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện với phương châm bám sát nhu cầu và sở thích của độc giả – đặc biệt là thế hệ trẻ.
Về ứng dụng công nghệ số, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần sử dụng công nghệ, trợ lý ảo và trí tuệ nhân tạo (AI) nhiều hơn trong xuất bản. Sử dụng AI, dữ liệu nhập vào có kiểm soát để rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm chi phí trong công tác tác xuất bản.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng các cơ quan chủ quản cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa, các nhà xuất bản cần chủ động, sáng tạo hơn, bởi “Chuyển đổi số phải nảy số, mang lại doanh thu cho ngành xuất bản”.
Thứ trưởng nhấn mạnh, các cơ quan chủ quản quan tâm, đầu tư cho nhà xuất bản trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc và thực hiện chuyển đổi số. Điều đó sẽ đóng góp vào việc đưa ngành xuất bản phát triển thành ngành kinh tế, công nghệ hiện đại. Trước hết là đầu tư hạ tầng, nhân lực kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương biểu dương, đánh giá cao các cơ quan chủ quản xuất bản, các nhà xuất bản đã đạt được. Đồng chí Trần Thanh Lâm cũng đề nghị trong thời gian tới các cơ quan tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản.
Các cơ quan chủ quản xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị xuất bản trực thuộc tập trung nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch, đề tài, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; sáng tạo, đổi mới các hình thức xuất bản phẩm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ; quan tâm, chú trọng tới công tác cán bộ, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, biên tập viên nhà xuất bản về lý luận chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ…
Tại Hội nghị, thay mặt Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng quà và hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo nhà xuất bản đã nghỉ chế độ và chuyển công tác.