Hoạch định tài chính cá nhân: Đầu tư các lớp tài sản theo chu kỳ kinh tế
Kinh tế Việt Nam đang trong chu kỳ hồi phục. Ở giai đoạn này, chứng khoán và bất động sản được cho là các lớp tài sản tiềm năng so với các lớp tài sản khác.
““Bắt mạch”” chu kỳ kinh tế
2,3% là hiệu suất trung bình mỗi năm mà vàng mang lại trong suốt 36 năm (1985 – 2020), theo tính toán của The College Investor. Con số này cũng tăng thêm tính xác thực cho quan điểm của nhiều tổ chức, cá nhân, đó là, vàng chưa bao giờ là kênh đầu tư mang lại hiệu suất cao trong một chu kỳ dài của nền kinh tế.
Nhưng, tình hình đã thay đổi. Vàng đang phá vỡ kỷ lục mọi thời đại, trở thành từ khoá nóng nhất năm 2024, ghi nhận hiệu suất trên 20% tính đến cuối tháng 5/2024 và bỏ xa mức hiệu suất 11,7% của chứng khoán.
Trong một phạm vi hẹp, vàng tăng do nhiều yếu tố thúc đẩy, như căng thẳng địa chính trị, các ngân hàng trung ương tăng cường mua vàng và Mỹ chuẩn bị bước vào giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ. Rộng hơn, giá vàng tăng phi mã được lý giải khi nhìn vào một chu kỳ dài của nền kinh tế.
Ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia tài chính cho biết, vàng sẽ tăng giá khi kinh tế rất khó và nhu cầu phòng thủ cao (mang tính chu kỳ). Nhìn về giai đoạn 10 năm trước, chu kỳ kinh tế tăng trưởng kéo dài, tình hình chính trị ít biến động lớn, lạm phát được giữ ở mức ổn định, giá vàng gần như “ngủ yên” suốt cả thập kỷ. Nhưng giai đoạn gần đây, lạm phát gia tăng, bất ổn chính trị xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, giúp hiệu suất của vàng tăng cao, không thể nhìn vàng như trong chu kỳ trước.
Chứng khoán cũng là một minh chứng. Trong chu kỳ kinh tế khủng hoảng năm 2008, chứng khoán toàn cầu mang lại hiệu suất kém nhất, với mức âm 39%. Nhưng sau khi kinh tế thế giới bước vào chu kỳ phát triển dài, suốt giai đoạn 2010 – 2021, chứng khoán nổi lên là lớp tài sản có hiệu suất vượt trội, nhất là vào các năm: 2013 (tăng 26%), 2017 (tăng 19%), 2019 (tăng 28%) và 2020 (tăng 14%), theo dữ liệu của Schroders.
Chu kỳ của nền kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất của các lớp tài sản. Ngoài ra, tính ngắn dài của chu kỳ cũng tạo ra hiệu suất rất khác nhau của các lớp tài sản.
“Đặc biệt, ở Việt Nam, càng phải hiểu về chu kỳ kinh tế”, ông Phương nhấn mạnh và chứng minh khi so sánh với thị trường chứng khoán Mỹ.
Chỉ số đại diện chứng khoán Mỹ là S&P 500 trong chu kỳ 50 năm đã tăng trưởng với hiệu suất hàng năm đạt trên 10%. Trong chu kỳ kinh tế dài trước khi xảy ra dịch Covid-19, chứng khoán đạt hiệu suất lên tới 13%/năm. Dù ít nhiều, thị trường cũng chịu tác động bởi tính chu kỳ, nhưng với việc được dẫn dắt bởi các cổ phiếu công nghệ (nhóm cổ phiếu của tương lai và có tiềm năng tăng trưởng lớn), về lâu dài, nhà đầu tư vẫn có lãi và có thể đầu tư một cách thụ động.
Còn tại Việt Nam, VN-Index vượt mốc 1.200 điểm rất nhiều lần và tỷ trọng của nhóm cổ phiếu chu kỳ là rất lớn. Nhà đầu tư cũng không thể mua thụ động, mà không quan tâm đến chu kỳ kinh tế.
Giải ngân ở đâu?
Ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) nhận định, chu kỳ kinh tế của Mỹ đã vào giai đoạn tăng trưởng cuối, đặc trưng bởi hoạt động kinh tế đạt đỉnh với tăng trưởng dương, nhưng chậm lại, áp lực lạm phát tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp, dẫn đến chính sách tiền tệ bị thắt chặt, ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp.
Trong quý I/2024, GDP của Mỹ tăng trưởng 1,6%, chậm lại so với mức tăng 3,4% trong quý IV/2023. Lạm phát tại Mỹ tăng mạnh trong năm 2022, đạt đỉnh 7,1% vào tháng 6/2022. Tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia này duy trì ở mức thấp (3,5 – 4%) từ đầu năm 2022.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank tỏ ra thận trọng hơn trong việc xác định chu kỳ kinh tế hiện tại của Mỹ. Về mặt số liệu, kinh tế Mỹ vẫn thể hiện sự tăng trưởng nhờ một số ngành đầu tàu kéo lên như công nghệ, hay tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng tương đối thấp. Nhìn sâu hơn, nhiều người dân Mỹ vẫn cho rằng mình thất nghiệp, công việc họ đang làm chỉ mang tính thời vụ, do không tìm được những công việc đúng chuyên môn.
Đặc biệt, không thể loại bỏ lo ngại Mỹ có thể rơi vào giai đoạn “đình lạm” từ tín hiệu lạm phát có thể tăng cao hơn dưới sức ép của việc đứt gãy chuỗi ứng toàn cầu, giá dầu thô tăng cao…, trong khi tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới đang chậm lại.
Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục từ mức thấp của năm 2023. Các tín hiệu vĩ mô gần đây thể hiện rõ điều đó, khi hoạt động xuất – nhập khẩu và sản xuất công nghiệp hồi phục mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu đạt 305,5 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Chu kỳ của nền kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất của các lớp tài sản. Ngoài ra, tính ngắn dài của chu kỳ cũng tạo ra hiệu suất rất khác nhau của các lớp tài sản.
Theo thống kê, mức tăng trưởng trung bình nhiều năm của kinh tế Việt Nam đạt 6,5%, đây là mức tiềm năng. Năm nay, Việt Nam được nhiều tổ chức dự báo tăng trưởng 5,5 – 6%, dù tốt hơn năm 2023, nhưng chưa về mức tiềm năng, nên năm 2024 là năm kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao và chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ, nên nếu nước này rơi vào đình lạm có thể khiến giai đoạn phục hồi của Việt Nam kéo dài hơn. Ở giai đoạn này, hiệu suất từ các lớp tài sản mang lại cũng sẽ có sự khác biệt.
Chứng khoán được xếp ở vị trí số 1 về tiềm năng các lớp tài sản trong giai đoạn tới. Theo ông Huỳnh Hoàng Phương, vào đầu giai đoạn phục hồi, chứng khoán sẽ tăng trưởng tốt nhất. Hiện tại, chứng khoán đang vào pha tích lũy, nhưng vẫn cho hiệu suất tốt và là kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng trong việc chọn điểm mua, nên mua vào những giai đoạn thị trường điều chỉnh để được giá tốt.
Đánh giá về triển vọng giai đoạn 2024 – 2025, SSIAM nhận thấy, số lượng đơn hàng và công suất nhà máy của ngành dệt may, gỗ, thủy sản… hồi phục tích cực từ quý I/2024 và kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn trong các quý tiếp theo của năm 2024 và 2025. Chính sách tài khóa hỗ trợ (giảm thuế VAT) và duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, việc Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán cũng là chất xúc tác cho thị trường trong giai đoạn tới.
Thị trường bất động sản có đặc thù giá trị cao, thanh khoản thấp và đang bước vào giai đoạn tích lũy, thoát đáy, giúp tỷ lệ hấp thụ dự án tăng. Các chuyên gia kỳ vọng, thị trường bất động sản ấm lên vào cuối năm nay và năm 2025, nhưng sẽ phát triển mạnh nhất sau khi nền kinh tế trở về mức tiềm năng (tăng trưởng đạt 6,5%). Trong đó, các sản phẩm thuộc phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực sẽ là nhóm đầu tiên hồi phục.
Ông Nguyễn Bá Huy lưu ý thêm với các nhà đầu tư cá nhân, nên lựa chọn dự án có pháp lý “sạch” để không bị đọng vốn; chọn chủ đầu tư uy tín để đảm bảo bất động sản được đầu tư và vận hành tốt và chọn sản phẩm ở vị trí tốt để mang lại tiềm năng sinh lời cao.
Trong khi đó, giá vàng hiện tại được cho là đã phản ánh các rủi ro ngắn hạn trên toàn cầu, do đó, thị trường vàng thế giới sắp tới trở nên khó dự báo hơn, độ biến động tăng cao và không thể kỳ vọng như đầu năm.
Tỷ giá VND/USD cũng tăng khoảng 5% từ đầu năm nay, do chênh lệch lãi suất USD cao hơn VND và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, đà tăng của tỷ giá đã được kiểm soát nhờ sự can thiệp hợp lý của Ngân hàng Nhà nước thông qua phát hành tín phiếu, bán dự trữ ngoại hối, điều tiết trên thị trường mở. Về phía Mỹ, Fed sẽ giảm lãi suất không sớm thì muộn, có thể vào cuối năm nay. Có nghĩa, khả năng tỷ giá tiếp tục tăng là rất thấp, mà rủi ro giảm giá sẽ cao.
Nhìn chung, các chuyên gia nhấn mạnh, đầu tư vào vàng và USD giai đoạn tới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi diễn biến phụ thuộc vào các yếu tố như lạm phát ở Mỹ, căng thẳng địa chính trị và chính sách vĩ mô của Nhà nước.
Nói thêm về kênh trái phiếu, ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng, ở đầu chu kỳ kinh tế, rủi ro của doanh nghiệp sẽ phân hóa rất lớn. Nhà đầu tư mua trái phiếu tức là đang cho doanh nghiệp vay, nhưng cần đánh giá mức lãi suất có xứng đáng với rủi ro không. Vậy nên, đây cũng không phải là lớp tài sản được gợi ý cho giai đoạn này.
Nhà đầu tư cần có kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm
Nắm bắt được tín hiệu trong giai đoạn giao thoa các chu kỳ của nền kinh tế và nhận diện được tiềm năng của các lớp tài sản không phải câu chuyện đơn giản.
Ông Huỳnh Hoàng Phương chỉ ra 2 tín hiệu nhà đầu tư cần theo dõi là tiêu dùng và lạm phát.
Thứ nhất, tiêu dùng chiếm khoảng 69% GDP của Mỹ, như vậy, khi chỉ số tiêu dùng ở Mỹ có biến động, thì nền kinh tế sẽ gặp khó khăn rất lớn.
Thứ hai, lạm phát là yếu tố dễ phá vỡ một chu kỳ kinh tế. Kể cả khi tiêu dùng đang tốt, nhưng lạm phát cao, cũng đủ phá vỡ cả chu kỳ đó.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh gợi ý nhà đầu tư theo dõi thêm tín hiệu về dòng tiền và các yếu tố xoay quanh xu hướng dòng tiền trên thị trường và nền kinh tế để biết được tiền chảy đi đâu. Vào những thời điểm nền kinh tế phát triển tốt, những kênh đầu tư mạo hiểm sẽ có mức độ đầu tư tốt, nhà đầu tư có thể phân bổ tỷ trọng vốn cao. Nhưng khi thị trường diễn biến xấu, nền kinh tế đi xuống, có nghĩa chu kỳ kinh tế suy thoái, trì trệ, thậm chí cả trong giai đoạn hoàng kim, nhà đầu tư nên chuyển bớt tiền sang nhóm an toàn, giảm tỷ trọng vào các kênh mạo hiểm, không dùng đòn bẩy và giữ tiền mặt ở mức cao.
Góc nhìn của ông Nguyễn Bá Huy mang tính dài hạn hơn. Nếu nhà đầu tư có thể đầu tư trên thị trường trong thời gian dài (10 – 30 năm), thì việc đầu tư vào thị trường chứng khoán của một nền kinh tế đang tăng trưởng cao như Việt Nam là lý tưởng.
“Nếu không giỏi đánh giá chu kỳ các ngành, nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ các cổ phiếu, có thể tập trung nhiều hơn vào cổ phiếu ít tính chu kỳ hoặc cổ phiếu giá trị để tối ưu hiệu suất đầu tư”, ông Huy khuyến nghị.
Việc phân bổ danh mục đầu tư cụ thể vào từng lớp tài sản sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân nhà đầu tư, với sự khác nhau về “khẩu vị” rủi ro, mức nền tài sản…
Nhà đầu tư còn có một sự lựa chọn khác là đồng hành cùng các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính để tối ưu hóa quá trình và hiệu suất đầu tư.
Nguồn: https://baodautu.vn/hoach-dinh-tai-chinh-ca-nhan-dau-tu-cac-lop-tai-san-theo-chu-ky-kinh-te-d216841.html