Thiền trên sông Hương

Cần tạo thành chuỗi sản phẩm

Cùng du khách đến nhiều điểm du lịch tại phường Thủy Biều (quận Thuận Hóa, thành phố Huế) và xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy)…, chúng tôi được nghe giới thiệu về mô hình du lịch gắn với hoạt động CSSK, đặc biệt là ngâm chân bằng cây dược liệu, sử dụng thực phẩm thực dưỡng… Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty CP&DV Du lịch HueTourist cho biết, hiện nay, tại Thủy Biều đã hình thành mô hình phát triển các sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái. Đây được xem là hướng đi khai thác yếu tố CSSK - một xu hướng du lịch mà du khách rất ưa thích.

Kể từ sau đại dịch COVID-19, du khách ngày càng quan tâm đến loại hình du lịch CSSK. Nắm bắt xu hướng ấy, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch của Huế cũng đã khai thác nhiều sản phẩm gắn kết hoạt động du lịch và CSSK. Hiện nay, toàn thành phố đã triển khai phát triển các điểm du lịch CSSK. Nhiều sản phẩm du lịch mới ra đời, gắn với tài nguyên du lịch ở Huế như các hoạt động ngâm tắm khoáng nóng, thiền, nghỉ dưỡng kết hợp các hoạt động trị liệu CSSK… Bên cạnh đó, Huế cũng đã đưa đông y nói chung và y thuật cung đình nói riêng vào khai thác du lịch được xem là một trong những loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc.

Tour du lịch chăm sóc sức khỏe tại Thủy Biều 

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, ngành Du lịch đã có ký kết hợp tác với Sở Y tế, Hội Đông y tỉnh và Bệnh viện Trung ương Huế để triển khai một số nhiệm vụ để phát triển du lịch CSSK trên địa bàn thành phố. Hiện đã có những sản phẩm, hướng đi cụ thể như: Khánh thành Trung tâm Thẩm mỹ Quốc tế Trung ương Huế; xây dựng và thành lập Viện Thái y Huế trên cơ sở phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền; triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành y tế và triển khai ứng dụng Mobile Health. Sở Y tế cũng phối hợp  các  địa phương và Hội Đông y thành phố Huế để đề xuất quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu phục vụ ngành y tế… Bên cạnh đó, cũng đã có các doanh nghiệp du lịch bước đầu khai thác, mở rộng các dịch vụ để hình thành các sản phẩm du lịch CSSK như mô hình khách sạn nội đô kết hợp lưu trú và dịch vụ khám chữa bệnh theo hình thức Đông y cổ truyền với cơ sở mang tên Spatel D’Annam (Đại Nam Thái y viện) tại số 57 Đặng Dung và 02 Đoàn Thị Điểm cùng một số cơ sở dịch vụ chuyên về sản phẩm cao cấp kết hợp giữa ẩm thực và phương pháp dưỡng tâm - thân như Tịnh Cư Cát Tường Quân, Alba Wellnes Valley by Fusion, Kobi Onsen Mỹ An, Vườn chay An Nhiên…

Huế là địa phương quan tâm đến loại hình du lịch CSSK và đã có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, vẫn còn không ít trăn trở. Tuy đã có nhiều sản phẩm, dịch vụ gắn với loại hình du lịch CSSK, các điểm du lịch đưa yếu tố CSSK vào khai thác nhưng nhìn chung, theo các chuyên gia, các mô hình du lịch CSSK ở Việt Nam nói chung, Huế nói riêng vẫn còn phát triển xứng với tiềm năng, chưa tạo thành chuỗi sản phẩm, khai thác sâu giá trị và tạo được những trải nghiệm sâu cho du khách; tour du lịch CSSK vẫn chủ yếu dừng lại ở dạng kết hợp, chưa có các tour chuyên sâu, tạo được điểm nhấn để khách lựa chọn đến Huế du lịch CSSK, điều trị và cân bằng thân - tâm - trí.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho rằng, du khách cũng đang cần đi sâu vào các giá trị bên trong của sản phẩm du lịch. Du lịch CSSK phải hình thành được chuỗi sản phẩm mà ở đó, khách được trải nghiệm một cách tốt nhất. Khách đến Huế có thể được nghỉ dưỡng, thăm khám sức khỏe tổng quát, được trải nghiệm thiền trên sông Hương, thưởng thức thực phẩm thực dưỡng… Tất cả được xây dựng thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh và chuyên sâu mà chỉ đến Huế, khách mới trải nghiệm được.

Đầu tư bài bản hơn

Trước khi tiến hành xây dựng đề án “Định hướng phát triển du lịch CSSK tại tỉnh Thừa Thiên Huế” (nay là thành phố Huế), Sở Du lịch đã có những khảo sát bước đầu. Theo đó chi tiêu của du khách ở Huế tập trung cho các hoạt động: Tham quan, thưởng thức ẩm thực; du khách ít quan tâm đến việc chi tiêu cho hoạt động mua sắm, CSSK hay trải nghiệm các làng nghề truyền thống.

 Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp các hoạt động chăm sóc sức khỏe

Cũng theo số liệu thu được, chi tiêu bình quân 1 ngày của du khách chủ yếu ở các khoản: Lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, mua hàng hóa, quà lưu niệm, ăn uống… bình quân khoảng 1,9 - 2,2 triệu đồng/ người. Tuy nhiên các khoản chi cho các dịch vụ chăm sóc, nâng cao sức khỏe (không tính chi phí riêng cho điều trị y tế chuyên ngành vì thuộc lĩnh vực riêng) đang còn rất ít, chiếm dưới 5% trong cơ cấu chi tiêu. Những kết quả trên cho thấy Huế đang bỏ qua lợi thế rất lớn của một trung tâm y tế chất lượng cao, chuyên sâu; một trung tâm du lịch có đầy đủ các điều kiện để phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh. Bên cạnh nền y học cổ truyền lâu đời, thương hiệu y học hiện đại có tiếng thì lợi thế nhiều tài nguyên du lịch với các suối khoáng nóng, hệ thống các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được xây dựng trong những không gian yên bình theo triền đồi, ven bờ sông Hương hay trải dài trên các bãi biển, dễ dàng hòa mình với thiên nhiên và thích hợp để khai thác du lịch nghỉ dưỡng, CSSK. Huế cũng có hệ thống cây dược liệu phong phú để ứng dụng vào du lịch CSSK.

Giám đốc Sở Du lịch Trần Thị Hoài Trâm chia sẻ, bên cạnh loại hình du lịch văn hóa di sản là nền tảng cốt lõi, ngành du lịch cũng nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ của các loại hình du lịch bổ trợ mà Huế có thế mạnh, trong đó có du lịch CSSK. Ngành du lịch Cố đô cũng đã xây dựng các đề án phát triển du lịch với những định hướng trọng tâm và lâu dài.

Để phát triển du lịch CSSK một cách bài bản, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong khai thác phát triển các loại hình hình du lịch CSSK, trong đó có  khu vực Đại Nội, với sản phẩm gắn với y thuật cung đình của Thái y Viện triều Nguyễn. Bên cạnh đó, cần kêu gọi đầu tư nhằm hoàn thiện thêm một số cơ sở dịch vụ, điểm đến du lịch kết hợp khám chữa bệnh, CSSK chuyên nghiệp dựa trên lợi thế, nền tảng sẵn có của hệ thống y học Đông y của Cố đô nhằm tạo không gian y thuật cổ truyền gắn với du lịch của thành phố với điểm nhấn chính là một số hoạt động của Thái y Viện được phục hồi.

Sở Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, định hướng dịch vụ và sản phẩm để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nhanh chóng nghiên cứu kết nối tour và sớm đưa vào khai thác loại hình du lịch CSSK, du lịch y tế, du lịch khám chữa bệnh gắn với Đông y cổ truyền; liên kết để khai thác và thực hiện những tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh theo hình thức Đông y cổ truyền tại những khu du lịch nước khoáng nóng ở Thanh Tân và Mỹ An. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan mời gọi đầu tư ở những điểm có nguồn nước khoáng mới có khả năng trị bệnh, kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái trong lành để để xây dựng thành những khu nghỉ dưỡng kết hợp với chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ngành du lịch cũng cần quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực gắn với du lịch CSSK, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác quảng bá, đưa thông tin và các sản phẩm du lịch CSSK đến với du khách thập phương.

HỮU PHÚC