ItalyĐấu trường La Mã gần đây được thấy bị phá hoại ba lần mặc dù chính quyền đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn.
Trong tháng 6, du khách Ivan Dimitrov, 27 tuổi, huấn luyện viên thể dục sống ở Bristol, Anh, khiến dư luận phẫn nộ khi dùng chìa khóa khắc dòng chữ “Ivan+Haley 23” vào công trình kiến trúc gần 2.000 năm tuổi ở Rome.
Hành động này khiến những người dân địa phương phẫn nộ, sau đó video lan truyền khắp mạng xã hội toàn cầu. Một đoạn video được đăng tải trên Youtube ghi lại hành vi phá hoại của Ivan thu hút hơn 300.000 lượt xem. Ivan sau đó đã viết một bức thư xin lỗi trên trang cá nhân Facebook vì không chịu nổi sức ép từ cộng đồng mạng. Anh ta viết “vô tình khắc tên lên tường vì không hay biết về giá trị lịch sử của công trình này cũng như không rõ đấu trường này có niên đại lâu như vậy”.
Hôm 15/7, địa điểm nổi tiếng này tiếp tục là tâm điểm của thế giới khi xuất hiện video một cô gái trẻ nắn nót khắc chữ “N” lên công trình. Hiện chưa xác minh được danh tính người này nhưng theo giới chức địa phương người phá hoại là một thiếu niên Thụy Sĩ đi du lịch cùng cha mẹ. Đoạn video được ghi lại bởi hướng dẫn viên dẫn đoàn.
Một ngày sau, đấu trường La Mã tiếp tục ghi nhận trường hợp phá hoại thứ ba trong tháng 6 và tháng 7. Kẻ phá hoại là học sinh người Đức 17 tuổi đi du lịch cùng trường, đã cạo bức tường ở tầng trệt của đấu trường.
Hành vi phá hoại đấu trường cổ tồn tại năm này qua năm khác và chưa ngăn chặn được triệt để. Khách du lịch tăng sau dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn. Đấu trường La Mã lại là một điểm nóng du lịch và luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải.
Vụ phá hoại vào năm 2020 của một du khách Ireland đã khiến chính phủ Italy áp đặt các hình phạt nặng bằng tiền, thậm chí phạt tù đối với những trường hợp làm xấu, phá hoại địa danh văn hóa. Vì vậy, du khách Ivan Dimitrov có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 16.000 USD và 5 năm tù giam.
Các phương tiện truyền thông ở Italy cũng liên tục đưa tin về các khoản tiền phạt cũng như án tù như một biện pháp giúp sức chính quyền ngăn chặn hành vi phá hoại di tích.
Tuy nhiên, tuyên truyền không hiệu quả, các vụ việc phá hoại diễn ra liên tục. Những khách phá hoại này sau đó đều biện minh thiếu kiến thức lịch sử về địa điểm và không hiểu giá trị của đấu trường. Các chuyên gia cũng cho rằng có thể những người này cố tình phá hoại sau đó ghi lại video, tự đăng tải lên mạng nhằm nổi tiếng.
Một số ý kiến nhận định chính sự nổi tiếng vốn có, cùng tốc độ lan truyền thông tin nhanh, lượng du khách tăng đã khiến giới chức khó bảo vệ được công trình cổ. Ai cũng muốn “check-in” tại điểm nổi tiếng bậc nhất thế giới và “sống ảo” trên mạng xã hội.
Bích Phương (Theo Insider)