Đau vùng thượng vị là tình trạng mà vùng thượng vị, tức khu vực ở vùng bụng trên, ngay dưới lồng xương sườn bị đau hay khó chịu. Đây là vị trí chứa một số cơ quan quan trọng trong bụng, bao gồm dạ dày, gan, tuyến tụy và túi mật, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau vùng thượng vị, từ chấn thương đến vấn đề tiêu hoá. Tuy nhiên, các nguyên nhân phổ biến nhất là viêm dạ dày, loét dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và viêm tụy. Những nguyên nhân khác ít phổ biến hơn là bệnh túi mật, viêm ruột, đau ruột thừa.
Một nguyên nhân hay gặp khác gây đau vùng thượng vị là đói. Những cơn đói cồn cào có thể gây ra cơn co thắt dạ dày dữ dội, dẫn đến cảm giác khó chịu hoặc đau âm ỉ trong bụng.
Ngoài ra, những người bị viêm dạ dày cũng thường bị đau thượng vị. Đặc biệt, khi đang đói, triệu chứng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Tương tự, loét dạ dày và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), hội chứng ruột kích thích (IBS) là những tình trạng có thể gây đau thượng vị khi đói.
Để phân biệt giữa đau vùng thượng vị do đói hay do các vấn đề sức khỏe khác thì cần dựa vào thời gian và biểu hiện của cơn đau. Nếu nguyên nhân do đói thì cơn đau thường xảy ra khi sắp đến bữa, dạ dày đang cồn cào và sẽ giảm bớt khi được ăn món gì đó.
Ngược lại, các nguyên nhân bệnh lý gây đau vùng thượng vị lại không giảm bớt dù có ăn món gì đi nữa. Ngoài ra, người bệnh có thể mắc kèm theo một sớ triệu chứng khác như đầy hơi, khó tiêu hoặc đau ngực.
Nếu cơn đau vùng thượng vị kéo dài không hết hoặc xuất hiện với mức độ nghiêm trọng thì cần phải tìm đến bác sĩ để kiểm tra và điều trị. Để xác định nguyên nhân gây bệnh thì bác sĩ cần đánh giá kỹ lưỡng, từ kiểm tra thể chất, xét nghiệm máu, chụp ảnh cắt lớp đến nội soi.
Điều trị đau vùng thượng vị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản nhưng các biện pháp điều trị thường được áp dụng là dùng thuốc, phẫu thuật và điều chỉnh một số thói quen của người bệnh, theo Healthline.