Trả lời báo chí về vấn đề này tại buổi họp báo thường kỳ quý 1/2024 của Ngân hàng Nhà nước hôm nay 19.4, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), cho biết triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về công tác đấu thầu vàng miếng SJC.
“Ngân hàng Nhà nước đã sản xuất và có sẵn vàng trong kho. Ngay trong chiều nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo chủ trương đấu thầu đến 15 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là những đơn vị có đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Ngân hàng Nhà nước sẽ chuẩn bị các công tác để tiến hành đấu thầu ngay trong thứ hai tuần tới”, ông Tuấn thông tin.
Liên quan chính sách đối với thị trường vàng trong thời gian tới, ông Tuấn nói, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Nội dung tổng kết Nghị định 24 mà Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng đã được lấy ý kiến các bộ, ngành. Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương là nên sửa đổi Nghị định 24.
Biến động vàng ngày 19.4: Giá vàng sụt giảm trước ngày đấu thầu vàng miếng
“Đánh giá những mặt tích cực của Nghị định 24 suốt thời gian qua thấy rằng, vai trò của Nghị định 24 đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, đã đến lúc cần xem xét lại cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện nay, đặc biệt tập trung bàn việc Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng, thêm nhiều thương hiệu vàng khác chứ không chỉ mình thương hiệu vàng SJC”, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối nói.
Xem xét cho nhiều doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu?
Ngoài tăng cung vàng miếng, ông Tuấn cũng đề cập đến việc xem xét cho những doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức nhập khẩu vàng nguyên liệu, đặc biệt đối với những doanh nghiệp Thủ tướng đã chỉ đạo, là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
Cụ thể, với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, trong Nghị định 24 hiện nay đã tạo điều kiện; những doanh nghiệp có hợp đồng gia công, sản xuất với nước ngoài, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu đang được thực hiện, không có vướng mắc gì.
Với doanh nghiệp vàng sản xuất trang sức, mỹ nghệ nói chung, hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước nắm bắt lại nội dung này, có thể tổng hợp, đánh giá lại để Ngân hàng Nhà nước xem xét.
Xung quanh câu chuyện đấu thầu vàng, trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, hiện thị trường vàng Việt Nam khá nhỏ, không lớn như trước đây. Bởi vậy, trong đợt đấu thầu vàng sắp tới, Ngân hàng Nhà nước cung ra thị trường tổng cộng khoảng 20.000 lượng vàng là đủ “hạ nhiệt” thị trường.
“Mỗi phiên đấu thầu, nhiều nhất Ngân hàng Nhà nước sẽ tung ra khoảng 5.000 lượng vàng. Như vậy, chỉ cần 4 phiên là thị trường dần đi vào ổn định, có thể kéo giảm đáng kể chênh lệch giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới.
Mức chênh lệch còn 1 – 2 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn và khoảng 7 triệu đồng/lượng với vàng SJC đã coi là thành công”, ông Phương nói.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhìn nhận: “Chỉ cần tung ra thị trường mỗi phiên 5.000 – 10.000 lượng vàng là đủ hạ nhiệt thị trường. Khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu, giá vàng miếng SJC sẽ giảm mạnh”.
Dù vậy, khi Thanh Niên đặt vấn đề tổng lượng vàng cung ra cần bao nhiêu để đáp ứng bình ổn cung – cầu, ông Khánh cho rằng: “Rất khó để đoán được nhu cầu vàng hiện nay cần bao nhiêu lượng vàng miếng mỗi tuần, vì Ngân hàng Nhà nước thường tổ chức đấu giá hàng tuần. Diễn biến tiếp theo còn phải chờ xem sau phiên đấu giá đầu tiên, biến động giá trên thị trường ra sao”.
Theo ông Khánh, về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cung cho thị trường thông qua việc cho các doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu.
Ông Phương cũng bày tỏ quan điểm, Ngân hàng Nhà nước nên cấp quota nhập vàng cho các doanh nghiệp vàng. Doanh nghiệp vàng sẽ chủ động nhập dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Việc nhập này nên xem là tăng nguồn dự trữ vàng cho Ngân hàng Nhà nước.