Vùng Đông Nam bộ (ĐNB) chỉ chiếm hơn 7% diện tích nhưng lại dẫn đầu các vùng cả nước về: GRDP, thu ngân sách, xuất khẩu, tỷ lệ đô thị hóa… Việc hợp tác để đưa vùng phát triển thịnh vượng là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng ĐNB.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ trao đổi với các thành viên hội đồng tại hội nghị ngày 18-7. Ảnh: H.Lộc |
Vấn đề này cũng được các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia thảo luận nhiều trong hội nghị điều phối vùng mới đây.
* Còn nhiều lợi thế phát triển
ĐNB là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới. Sự phát triển của vùng có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế những năm gần đây có xu hướng chậm lại, nhiều hệ lụy nảy sinh. Một trong các nguyên nhân đó bắt nguồn từ sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ.
Để khắc phục tình trạng này, đồng thời phát huy tiềm năng và lợi thế của vùng, vào tháng 10-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo sự phát triển nhanh và bền vững cho toàn vùng và từng địa phương. Gần 1 năm sau, tháng 7-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐNB, do Thủ tướng làm Chủ tịch hội đồng.
Vùng ĐNB gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Vùng chiếm hơn 7,1% diện tích, 18,8% dân số, đóng góp 31% GDP, khoảng 38% tổng thu ngân sách và hơn 35% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
|
Tại hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối vùng ĐNB mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, thành phố luôn nhận thức rất rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và có trách nhiệm trong công tác liên kết vùng. Về quy hoạch, thành phố lập, điều chỉnh quy hoạch chung phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển của toàn vùng. Thành phố xây dựng mô hình phát triển đa cực với nhiều tiểu vùng nhằm tạo ra các cửa ngõ kết nối với các tỉnh. Trong phát triển văn hóa, GD-ĐT, nguồn nhân lực thành phố đều xác định với vai trò là trung tâm, đầu tàu của cả vùng. Thành phố sẽ không làm tốt nếu không có sự phối hợp với các địa phương.
Về phía Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay, thời gian qua, Trung ương rất quan tâm và cho triển khai hàng loạt dự án hạ tầng ở vùng ĐNB. Điều này có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của từng địa phương cũng như cả vùng. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa cao trong khi một số dự án hạ tầng triển khai chậm dẫn đến quá tải.
Do đó, Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 10-12 làn xe, xây dựng cầu Cát Lái để giảm áp lực giao thông. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và dự án kéo dài tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên về Bình Dương và TP.Biên Hòa. 3 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM nghiên cứu giải pháp phát triển vận tải hành khách đường sông kết hợp khai thác du lịch và phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Đồng Nai.
Là vùng có lợi thế lớn về cảng biển, sân bay quốc tế; phát triển mạnh về công nghiệp và logistics, KH-CN, đào tạo nhân lực nhưng vì hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu kết nối; liên kết, hợp tác giữa các địa phương chưa chặt chẽ nên các tiềm năng, lợi thế của vùng ĐNB vẫn chưa được phát huy tối đa.
* Có cơ chế đặc thù cho cả vùng
Tại hội nghị hội đồng điều phối vùng lần thứ nhất, hàng loạt giải pháp để phát triển vùng ĐNB đã được các bộ, ngành, địa phương bàn thảo. Trong đó có các giải pháp trọng tâm: phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng đồng bộ, hiện đại; điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong vùng trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực; xử lý các vấn đề về môi trường, ngập úng thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển hạ tầng giao thông, đô thị xanh, trung tâm tài chính…
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, để hiện thực hóa ước mơ phát triển vùng ĐNB, các tỉnh, thành cần có sự liên kết, liên thông về quy hoạch, hạ tầng và cả những cơ chế, chính sách đặc thù. Theo TS Trần Du Lịch, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội đã cho phép TP.HCM áp dụng một mô hình mới đó là phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng. Tức là phát triển đô thị, khai thác quỹ đất lợi thế từ đô thị hóa để phát triển giao thông mà không phải dùng đến ngân sách. Nếu các địa phương trong vùng cũng được vận dụng mô hình này, thì bài toán về nguồn vốn, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng sẽ được giải quyết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng ĐNB cho rằng, việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng và liên vùng để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là bài toán đặt ra cho vùng ĐNB.
Thủ tướng đưa ra 6 yêu cầu, trong đó có lập quy hoạch vùng để tạo sự thống nhất trong phát triển kinh tế – xã hội, không gian kiến trúc; hợp tác giải quyết những vấn đề một vài địa phương không giải quyết được như: ô nhiễm môi trường, ngập nước…; nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng để có nguồn vốn bố trí riêng cho các lĩnh vực liên kết.
Trước mắt, có 3 vấn đề các địa phương cần tập trung khắc phục đó là: ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và nhà ở cho người có thu nhập thấp. Đây đều là những vấn đề bức thiết, liên quan đến nhiều con người, sự phát triển của mỗi địa phương. Giải quyết được các tồn tại trước mắt, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ lâu dài sẽ giúp vùng phát triển thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, các địa phương thống nhất xây dựng ĐNB trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Là trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng.
Hoàng Lộc
.