Hiện tượng ê buốt, đau sau tai khi nhai kéo dài thường bị nhiều người xem nhẹ vì nghĩ không nghiêm trọng. Thực chất, đây có thể là dấu hiệu ‘báo động’ về vấn đề của các dây thần kinh, cần được phát hiện, điều trị kịp thời.
Bà N.T.T.T (45 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) là bệnh nhân có bệnh nền thoát vị đĩa đệm C7, thoái hóa đốt sống cổ hơn 15 năm. Khi trao đổi về các triệu chứng bệnh, bà T. chia sẻ trước đây bà cũng có thời gian bị ê buốt vùng phía sau 2 tai.
“Đau ở sau tai không cảm nhận được rõ ràng, chỉ khi nào tôi vô tình chạm hay ấn vào, hoặc khi ăn, nhai cần mở to miệng mới thấy được cơn ê buốt hoặc đau, thốn. Nhưng cái mà tôi cảm nhận rõ rệt nhất là sự căng cứng sau ót, sau cổ, sưng cơ hai bên vai. Buổi tối tôi cũng thường xuyên bị mất ngủ, đi khám bác sĩ thì được biết là máu huyết không lưu thông được lên não do các dây thần kinh vùng sau tai, ót bị tắc”.
Đến nay, bà T. cho biết bản thân không còn đi thăm khám hay dùng thuốc vì thấy các cơn đau giảm dần.
Nguy cơ liệt cơ mặt
Theo thạc sĩ – bác sĩ Lê Ngô Minh Như, Phòng khám Ngũ Quan (Tai Mũi Họng – Mắt), Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, triệu chứng ê buốt sau tai có thể liên quan đến thần kinh trung ương hoặc thần kinh ngoại biên như đau dây thần kinh chẩm, bệnh lý liên quan đến dây thần kinh mặt, hội chứng đau dây thần kinh tam thoa…
Tình trạng các dây thần kinh chẩm bị viêm, tổn thương gây ra các cơn đau và triệu chứng liên quan. Bệnh lý này có thể là kết quả của tình trạng dây thần kinh chẩm bị chèn ép hoặc căng cơ tại cổ, chấn thương ở cổ, đầu hoặc do các bệnh lý khác.
“Viêm cột sống cổ trên, chấn thương dây thần kinh chẩm lớn, chẩm nhỏ, thoái hóa cột sống cổ gây chèn ép thần kinh chẩm hoặc rễ dây thần kinh cổ C2/C3, bệnh lý đĩa đệm cột sống cổ, các khối u chèn ép rễ dây thần kinh cổ, nhiễm trùng… là các nguyên nhân có thể dẫn tới bệnh lý này. Khi mắc, người bệnh thường có triệu chứng đau nhức, đau rát và đau nhói thường bắt đầu từ nền hộp sọ, có thể đau lan sang phía sau hay dọc theo phần bên đầu”, bác sĩ Minh Như cho hay.
Ngoài ra, việc bị đau ở một hoặc 2 bên đầu, đau sau mắt, nhạy cảm với ánh sáng, da đầu nhạy cảm (thậm chí chải tóc cũng có thể làm tăng cơn đau), đau khi cử động cổ cũng là những dấu hiệu của đau dây thần kinh chẩm.
Bệnh lý liên quan đến dây thần kinh mặt (liệt mặt hoặc viêm dây thần kinh 7): Do nhiễm virus (như Herpes simplex), viêm hoặc chèn ép dây thần kinh số 7. Khi này, người bệnh sẽ có triệu chứng đau hoặc ê buốt sau tai trước khi liệt mặt, yếu hoặc nặng hơn là liệt hẳn cơ mặt một bên.
Hội chứng đau dây thần kinh tam thoa: Tổn thương nhánh hàm dưới hoặc hàm trên của dây thần kinh tam thoa có thể gây đau từ vùng quai hàm tới cổ và sau tai. “Các cơn đau này thường đột ngột, dữ dội, kiểu ‘điện giật’, có thể lan sang đầu, cổ, và vai”, bác sĩ Minh Như nói thêm.
Liên quan mật thiết tới đầu, vai, cổ
Chị Nguyễn Hoàng Yến Nhi (19 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Một tháng nay tôi thường xuyên bị đau từng phần nhỏ ở khu vực đầu, vai, gáy, nhất là vùng sau ót. Có lúc, cơn đau bắt đầu ở vùng ót trái, sau đó lan ra thái dương. Được vài ngày sau thì tôi phát hiện cơ hàm sau tai trái cũng bị đau và buốt khi ấn vào”.
Theo đó, mỗi lần các cơn đau phát tác, chị Nhi cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung kèm theo nhiều triệu chứng lo lắng. Đáng nói, cơn đau có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, khiến công việc của chị bị ảnh hưởng đáng kể. Có thời gian, chị Nhi còn tự dùng thuốc giảm đau liên tục nhưng chỉ giảm được cơn đau nhất thời, vài ngày sau lại tái phát.
Ê buốt sau tai hoặc sau khớp cắn quai hàm có thể liên quan đến một số cơn đau khác ở lưng, đầu, hoặc cổ, do cấu trúc thần kinh, cơ và khớp trong cơ thể có mối liên hệ chặt chẽ.
Bác sĩ Minh Như cho biết: “Các dây thần kinh và cơ vùng sau tai có thể gây đau đầu do tổn thương dây thần kinh chẩm. Các cơn đau ê buốt, nhói từ gốc cổ, sau tai và lan lên trán hoặc đỉnh đầu. Cơn đau thường xuất hiện khi cử động cổ hoặc chạm vào vùng sau tai. Thêm nữa, người bệnh bị đau đầu cũng có thể do co thắt cơ vùng cổ, vai gáy, kéo căng các dây thần kinh và cơ ở vùng sau tai gây đau âm ỉ hoặc căng tức, có thể lan từ vùng sau tai tới trán hoặc thái dương. Các cơn đau này thường liên quan đến căng thẳng hay làm việc lâu ở tư thế sai”.
Bên cạnh đó, thoái hóa cột sống cổ hoặc thoát vị đĩa đệm cũng có thể chèn ép thần kinh gây đau từ cổ lên vùng sau tai, đặc biệt đau nhiều khi vận động cổ hoặc giữ cổ ở một tư thế lâu.
Cuối cùng, rối loạn khớp thái dương hàm có thể lan rộng đến cổ và làm xuất hiện các cơn đau, ê buốt hoặc nhức ở sau tai, vùng quai hàm và thái dương. Có thể kèm theo cảm giác “cắn không đều” hay đau khi nhai, khi nói.
Bác sĩ Minh Như cho biết, tình trạng ê buốt sau tai kéo dài mà không được chẩn đoán và điều trị có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống. Theo đó, bệnh có khả năng gây tổn thương thần kinh lâu dài từ các cơn đau mãn tính, tăng độ nhạy cảm đau, liệt cơ hoặc mất cảm giác, đáng chú ý là ảnh hưởng tới các vùng cơ thể khác như vừa nêu trên.
Theo bác sĩ Minh Như, khi có các triệu chứng sau, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:
- Đau kéo dài hoặc ngày càng nặng.
- Liệt hoặc yếu cơ mặt.
- Sốt, sưng hoặc mụn nước vùng sau tai.
- Chóng mặt, mất ý thức, hoặc nói khó.
“Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị kể cả tây y và đông y. Người có triệu chứng bệnh cần được chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, kịp thời”, bác sĩ Minh Như nói thêm.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-dau-sau-tai-khi-nhai-khong-nen-dung-thuoc-giam-dau-lien-tuc-185241127113623177.htm