Trong cả trăm ý kiến bạn đọc chia sẻ với Tuổi Trẻ hầu như không có ai nói nhẹ, gỡ tội hay muốn tha thứ cho người đàn ông đánh cô gái sau va chạm giao thông ở quận 4 (TP.HCM) mới đây.
Có vẻ khá lâu rồi mới có nhiều bạn đọc đồng thuận đến vậy trong một vụ việc gây bất bình dư luận. Hầu hết đều đề nghị phải phạt nặng, thậm chí thật nặng Bùi Thanh Khoa – kẻ đánh người – để làm gương và có vậy mới mong giảm rồi chấm dứt tình trạng ẩu đả nhau khi va chạm giao thông trên đường.
Nhất là khi thông tin người bị đánh là cô gái, sự phẫn uất của dư luận có lẽ đã vượt quá ngưỡng chịu đựng. Bởi những hình ảnh thượng cẳng chân hạ cẳng tay của Khoa từ clip ghi nhận được rõ ràng quá, tàn nhẫn quá nếu không muốn nói là quá mất nhân tính trong phép hành xử tối thiểu của một con người!
Vậy nên bạn đọc mới bảo chỉ khi bị về phường làm việc, Khoa mới thấy hối lỗi, mới kịp nhận ra hành vi của mình đã quá sai. Điều này khác xa với cú ra đòn quyết liệt, cái lên chân thẳng vào mặt cô gái lúc ở ngoài đường. Trước những lời ăn năn của Khoa, có bạn đọc nói thẳng luôn rằng “Đây chỉ là biện hộ. Hành động đó không thể gọi là nóng nảy. Đây chỉ có thể gọi là côn đồ, mất nhân tính”.
Khoa đã bị bắt, khởi tố với tội danh cố ý gây thương tích. Cái giá phải trả cho phút nóng giận thiếu kiểm soát như thế là quá lớn cho một hành vi bột phát vì bản thân Khoa chưa từng có tiền án, tiền sự và gia cảnh riêng cũng có phần bi đát khi vợ bỏ đi, cha mẹ từ mặt và đang ở cùng hai con nhỏ. Dù có là kẻ chạy lại, nhưng lần này dư luận gay gắt vì không phải kẻ chạy lại nào cũng “không nỡ đánh”.
Nhìn rộng ra, phải khẳng định chuyện đánh nhau khi va quẹt trên đường phố không phải là điển hình hay phổ biến như một thói quen đường phố. Đó chỉ là cá biệt, rất cá biệt và là hành vi phản cảm, xấu xí đến không từ ngữ nào có thể biện hộ.
Lẽ dĩ nhiên, hành động ấy phải được lên án, bài trừ và cần được xử lý thật nghiêm khắc. Để không bao giờ được tái hiện những hình ảnh côn đồ và tệ hại như thế trong ứng xử giữa người và người. Việc ấy có khó không? Xin thưa không khó, hoàn toàn có thể làm được và chỉ cần mỗi người tự ý thức với hành vi của mình.
Văn hóa giao thông sẽ vẫn là mục tiêu hướng đến và phải làm cho được dẫu cũng phụ thuộc ít nhiều vào trình độ dân trí, nhịp độ phát triển của xã hội. Đâu thiếu những cái bắt tay, nụ cười nhận lỗi đã từng có trong những vụ va quẹt xe trên đường. Càng không phải quá khó để nói lời xin lỗi nhau sau vụ việc dù mình có phải là người gây ra lỗi hay không.
Kiềm chế cảm xúc khi tham gia giao thông, điều ấy cần được mỗi người, nhất là các bạn trẻ, tự nhắc chính mình khi ngồi sau tay lái.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dau-phai-ke-chay-lai-nao-cung-khong-no-danh-202412132244534.htm