(CTO) – Cụ ông 68 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang bị nhồi máu cơ tim cấp, được các ê-kíp bác sĩ hai Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long và BV Đa khoa tỉnh Hậu Giang phối hợp cấp cứu, qua cơn nguy kịch.
Cụ ông được cấp cứu kịp thời, khả năng hồi phục vận động tốt. Ảnh do BV cung cấp.
Cách nhập viện 4 giờ, cụ ông T.Q.T cảm thấy mệt, đột ngột đau nặng ngực trái dữ dội, vã mồ hôi, khó thở nên người nhà đã đưa ông vào BV Đa khoa tỉnh Hậu Giang cấp cứu. Cụ ông được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, tiên lượng rất nặng, cần xử trí cấp cứu khẩn cấp.
Ê-kíp cấp cứu của BV Đa khoa tỉnh Hậu Giang hội chẩn liên viện với BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, thống nhất phác đồ hồi sức cấp cứu nội khoa khẩn cấp, lập tức chuyển người bệnh đến BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.
Song song thời điểm đó, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tiếp nhận đầy đủ thông tin của người bệnh, kích hoạt quy trình cấp cứu cho người bệnh nhồi máu cơ tim cấp, chủ động nhân lực và phương tiện đón người bệnh, đảm bảo các “tiêu chuẩn giờ vàng”. Kết quả chụp mạch vành qua hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA cho thấy: bệnh nhân bị tắc cả hai nhánh mạch máu lớn bên trái và phải, tim co bóp rất kém. Ê-kíp cấp cứu hồi sức tim, đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu, tái thông động mạch vành, đặt 1 stent vào đoạn mạch bị tắc.
Sau 37 phút kích hoạt quy trình cấp cứu khẩn, người bệnh được tái thông hoàn toàn nhánh mạch máu tắc. Cụ ông tiếp tục được điều trị, theo dõi hồi sức tích cực, thở máy, sử dụng thuốc trợ tim liều cao. Sau 24 giờ, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện tốt các y lệnh, được rút nội khí quản, ngưng dùng thuốc trợ tim. Bệnh nhân đã được xuất viện.
Theo BS CKI Nguyễn Hữu Thái, Trưởng khoa Can thiệp nội mạch – Nội tim mạch, triệu chứng chính của nhồi máu cơ tim là đau ngực, kèm các triệu chứng khác như vã mồ hôi, hốt hoảng, xanh tái, khó thở… Nhồi máu cơ tim nếu được nhận biết sớm và được xử trí trong vòng 3-6 giờ đầu sẽ đem lại kết quả cao nhất giúp giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong trên người bệnh.
Nhồi máu cơ tim là căn bệnh có diễn tiến rất nhanh và bất ngờ, không chỉ đối với người lớn tuổi có bệnh nền mà người trẻ cũng có thể bị nhồi máu cơ tim cấp. Các đối tượng có các yếu tố nguy cơ tim mạch cao: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân, ít vận động, hút thuốc lá, làm việc áp lực, căng thẳng,… cần thường xuyên kiểm tra khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý về tim mạch cũng như bệnh lý khác.
THU SƯƠNG