Đây là thắc mắc của nhiều học sinh lớp 12 trước giai đoạn chọn ngành học để xét tuyển ĐH, CĐ.
Chọn ngành học không nên cảm tính
Trước vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhìn nhận: “Đa số các em chọn ngành yêu thích còn tương đối cảm tính, chưa thực sự đầu tư nghiên cứu kỹ nội dung chương trình, cơ hội nghề nghiệp và đặc biệt là năng lực, tâm lý của bản thân có phù hợp thực sự với ngành, công việc sau khi ra trường, dẫn đến tình trạng khi vào học không hứng thú, cảm thấy khó khăn chán nản”.
Do vậy, để tránh xảy ra tình trạng này, PGS-TS Thụy khuyên học sinh khi lựa chọn ngành học cần hiểu mình thật sâu sắc với các phân tích điểm mạnh, điểm yếu về học lực, tâm lý, sở thích và đam mê. Tiếp đến là thu thập và phân tích thông tin về các ngành nghề mình thích hoặc muốn theo học, đồng thời xem xét kỹ chương trình đào tạo của các trường có gì khác nhau để hiểu rõ về ngành nghề và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Học sinh cũng nên tham khảo ý kiến từ chính sinh viên đang theo học ngành đó, tìm kiếm thông tin tuyển dụng về vị trí việc làm liên quan ngành học và dành thời gian tham quan cơ sở vật chất, điều kiện học tập của trường mình muốn theo học.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, khẳng định việc lựa chọn một ngành học thực sự phù hợp và có thể theo đuổi, gắn bó lâu dài là điều hết sức quan trọng và không hề dễ dàng.
“Thí sinh nên tìm hiểu kỹ về tính chất của mỗi ngành, những ưu điểm và cả những mặt trái, sau đó căn cứ vào năng lực, đam mê riêng của bản thân hoặc tham khảo, nhờ tư vấn từ thầy cô, ba mẹ để đưa ra quyết định đúng đắn nhất ngay từ đầu. Việc thay đổi ngành học sau khi đã chọn, đã học, dù ở thời điểm nào cũng sẽ để lại cho sinh viên những tổn thất nhất định”, thạc sĩ Dung chia sẻ.
Chuyển ngành khác nếu đáp ứng đủ điều kiện
Theo thạc sĩ Xuân Dung, trong trường hợp đã trúng tuyển ĐH và theo học một thời gian lại cảm thấy không còn yêu thích và không còn phù hợp, sinh viên cũng có thể thực hiện các thủ tục để xin chuyển sang ngành học khác phù hợp hơn.
Tuy nhiên, thạc sĩ Dung cho hay theo quy định của Bộ GD-ĐT, sinh viên không được chuyển ngành ở năm 1 và năm 4. “Vì vậy, các em cần cố gắng hoàn thiện các môn học ở năm thứ nhất và thực hiện thủ tục chuyển ngành học ở năm 2 hoặc năm 3. Bên cạnh đó, sinh viên chỉ được chọn chuyển sang một ngành mới có điểm trúng tuyển bằng hoặc thấp hơn với ngành cũ, kèm theo một số điều kiện khác về học lực, hạnh kiểm”, thạc sĩ Dung thông tin.
PGS-TS Nguyễn Văn Thụy cho rằng nếu chọn sai ngành thì sẽ khó phát huy năng lực, khó chạm tới đỉnh cao sự nghiệp và đáng tiếc hơn là bạn đánh mất khoảng thời gian quý báu nhất của bản thân.
“Do vậy, một lần nữa hãy ‘hiểu mình, hiểu nghề’ để không phải thốt ra từ ‘giá như’. Đồng thời, trong quá trình học ĐH, các em cần chủ động trải nghiệm các công việc làm thêm để hiểu rõ hơn đời sống công việc thực tiễn. Đó là quá trình hoàn thiện bản thân và tìm kiếm, phát huy năng lực sự nghiệp”, ông Thụy chia sẻ.
Ở một góc độ khác, tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, nhìn nhận việc cảm thấy không phù hợp với ngành đã chọn là điều bình thường vì nghề nghiệp luôn vận động, thay đổi.
“Tuy nhiên, trong thời điểm này, yêu thích ngành nghề nào thì các em cứ mạnh dạn chọn và có quyết tâm, nỗ lực để thực hiện trọn vẹn mục tiêu. Kiến thức ĐH ngày nay được xây dựng liên ngành, sẽ giúp sinh viên có nền tảng để làm những công việc khác nhau mà không nhất thiết phải làm đúng ngành mình đã học”, tiến sĩ Khả chia sẻ.
Đối với trường hợp sau khi đã tốt nghiệp và đi làm rồi mới biết bản thân không phù hợp với ngành nghề đã học, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung lưu ý sinh viên có thể tham khảo 2 hướng giải quyết. Thứ nhất, đăng ký học tiếp chương trình ĐH của một ngành khác tương thích với năng lực, đam mê của bản thân. Tuy nhiên, hướng đi này đòi hỏi phải dành ra rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức và gần như phải bắt đầu lại từ đầu nên cần suy xét rất cẩn trọng.
Thứ hai, sinh viên có thể dành thời gian tham gia các khóa học ngắn hạn, tự học hỏi, tự trải nghiệm để tích lũy, trau dồi chuyên môn và kỹ năng ở một nghề bản thân thực sự mong muốn theo đuổi và gắn bó sau khi tìm hiểu kỹ càng.