Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng đồng minh chưa có kế hoạch thực hiện các cuộc đánh giá lại kế hoạch áp trần giá đối với dầu Nga.
G7 chưa xem xét lại kế hoạch áp trần giá dầu của Nga. (Nguồn: Fly Of Swallow Studio/ShutterStock) |
G7 cùng Liên minh châu Âu và Australia đã áp đặt cơ chế trần giá 60 USD/thùng đối với dầu Nga vào tháng 12 năm ngoái. Sau đó, sang tháng 2/2023, nhóm tiếp tục áp trần giá 45 USD/thùng đối với nhiên liệu nặng và 100 USD/thùng với nhiên liệu nhẹ như xăng và dầu diesel của Moscow.
Ý tưởng này được Washington khởi xướng nhằm cắt giảm nguồn thu của Điện Kremlin, sau khi xảy ra xung đột với Ukraine, đồng thời, tránh những gián đoạn thị trường do lệnh cấm của EU áp lên dầu mỏ của Nga.
Thời gian đầu, các nước EU đồng ý xem xét lại mức trần giá 2 tháng một lần và điều chỉnh nếu cần thiết. Trong khi đó, phía G7 tuyên bố sẽ xem xét “khi phù hợp” bao gồm cả việc thực hiện và tuân thủ kế hoạch.
Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2023 đến nay, nhóm đã không xem xét mức trần giá đó.
Bốn nguồn tin quen thuộc với các chính sách của G7 cho biết, nhóm này hiện chưa có kế hoạch xem xét điều chỉnh kế hoạch này ngay lập tức.
Các nguồn tin cũng nhận định, trong khi một số nước EU muốn xem xét lại kế hoạch áp trần giá nêu trên, phía Mỹ và các thành viên G7 lại không muốn thay đổi.
Hiện giá dầu Brent giao dịch quanh mức cao nhất tính từ đầu năm nay là trên 90 USD/thùng. Diễn biến đó đã giúp nâng giá cho dầu thô toàn cầu, bao gồm cả dầu Urals của Nga.
Về phía Nga, Bộ Tài chính nước này tiết lộ, giá trung bình của dầu thô Urals đã phục hồi lên mức khoảng 74 USD/thùng trong tháng 8/2023 – cao hơn nhiều so với mức trần 60 USD/thùng.
* Trả lời phỏng vấn báo Handelsblatt của Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cho rằng, từ bỏ hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Nga là “nhiệm vụ gần như bất khả thi”.
Theo ông Sefcovic, năm 2022, châu Âu đã giảm nhập khẩu khí đốt của Nga từ 150 tỷ m³ xuống dưới 80 tỷ m³. Trong năm nay, con số này có thể là 40 tỷ m³, kể cả khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Ông khẳng định: “Vì vậy, tôi có thể nói rằng, từ bỏ hoàn toàn khí đốt Nga vẫn là nhiệm vụ gần như bất khả thi. Nếu Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thiết lập các mối quan hệ đối tác mới, biện pháp này có thể làm giảm thêm lượng nhập khẩu LNG từ Moscow trong những tháng tới”.
Theo Phó Chủ tịch EC, Ủy ban đang dần đảm bảo khí đốt được nhập khẩu thông qua nền tảng mua sắm chung của EU, thay vì đến từ Nga.