Có nhiều nguyên nhân khiến lưng dưới chỉ đau một bên. Một số trường hợp là dấu hiệu cảnh báo bệnh nghiêm trọng cần phải đi khám bệnh ngay lập tức, theo Insider (Mỹ).
Căng cơ
Nguyên nhân gây đau một bên lưng dưới phổ biến nhất là chấn thương cơ, gân và dây chằng cột sống. Chấn thương này thường là do té ngã, tai nạn, chuyển động xoắn đột ngột và tư thế vận động không đúng.
Tình trạng này sẽ đặc trưng với các triệu chứng như đau, cứng, co thắt cơ vùng lưng dưới. Cơn đau nhói có cảm giác như bị dao đâm vào.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) nếu không điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng bàng quang, thậm chí nhiễm trùng thận. Bệnh có thể gây ra đau nhức liên tục, lan tỏa khắp phần lưng dưới bên trái.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu là uống đủ nước. Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh như nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu đục, có máu, nặng mùi, sốt, ớn lạnh thì cần đến bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.
Sỏi thận
Sỏi thận là tình trạng khoáng chất trong nước tiểu lắng đọng lại thành sỏi bên trong thận. Bệnh có thể gây đau nhói dữ dội. Con người có 2 quả thận. Thận bên nào bị sỏi thì sẽ đau bên đó. Cơn đau có thể lan xuống bụng dưới, háng và bên dưới xương sườn. Một triệu chứng khác thường gặp của sỏi thận là tiểu ra máu.
Các yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận là di truyền, chế độ ăn uống kém lành mạnh và mắc một số bệnh tiềm ẩn. Những viên sỏi nhỏ có thể đào thải qua đường tiểu, trong khi những viên lớn thì cần phẫu thuật hoặc tán sỏi bằng sóng xung kích.
Nứt xương cột sống
Các động tác lặp đi lặp lại nhiều lần, chẳng hạn như nâng tạ, chèo thuyền, quần vợt hay thể dục dụng cụ có thể gây áp lực lên cột sống và làm nứt xương cột sống.
Nếu vị trí nứt ở vùng lưng dưới sẽ gây đau dữ dội ở một bên. Các loại thuốc giảm đau không kê đơn sẽ không hiệu quả với loại đau này. Phần lớn các trường hợp bị nứt xương cột sống có thể tự hồi phục sau 6 – 8 tuần. Tuy nhiên, người bệnh sẽ hồi phục tốt hơn nếu được bác sĩ kiểm tra và điều trị hợp lý, theo Insider.