Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính chuẩn bị có chuyến thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva vào cuối tháng 9 này, Đại sứ Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa nêu bật ý nghĩa và những nội dung trọng tâm của chuyến thăm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula Da Silva trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, tháng 5/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Xin Đại sứ chia sẻ ý nghĩa và nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Brazil lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đặc biệt trong bối cảnh hai nước cùng hướng tới kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024?
Việt Nam và Brazil chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989 và quan hệ song phương được tăng cường khi hai nước trở thành Đối tác toàn diện vào năm 2007.
Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo Đảng và Chính phủ đầu tiên của nước ta tới thăm chính thức Brazil kể từ chuyến thăm Brazil năm 2007 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Năm 2008, Tổng thống Brazil Lula da Silva thăm Việt Nam. Năm 2015, Tổng thống Brazil Dilma Roussef dự định thăm Việt Nam nhưng chuyến đi không thực hiện được. Trong thời gian khá dài như thế, các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước rất ít ỏi.
Đại sứ Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa. (Ảnh: TĐ) |
Vì thế, chuyến thăm Brazil lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong tương lai.
Chuyến thăm sẽ là dấu mốc mới mở ra thời kỳ quan hệ hợp tác mới giữa Việt Nam và Brazil.
Các cuộc trao đổi và gặp gỡ giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Lula da Silva và các lãnh đạo cấp cao khác của Brazil, với các chính đảng, tổ chức xã hội, chính quyền một số bang, giới doanh nghiệp Brazil sẽ giúp hai bên định hướng mới cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác toàn diện, xác định những dự án và lĩnh vực hợp tác cụ thể để đưa mối quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả thiết thực.
Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương là nội dung chính trong chương trình nghị sự chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Nhưng đương nhiên không chỉ có như vậy. Hai nước có thế mạnh và tiềm năng riêng về kinh tế, thương mại và công nghệ mà hợp tác với nhau sẽ tạo nên hiệu ứng cộng hưởng rất thiết thực phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế ở từng nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm Brazil vào thời điểm hai nước hướng tới kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024. Kết quả chuyến thăm vì thế không những chỉ giúp cho việc kỷ niệm dấu mốc này thiết thực hơn mà còn định hướng cho công cuộc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới trong thời gian tới.
Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh với kim ngạch hai chiều năm 2022 đạt 6,78 tỷ USD. Xin Đại sứ đánh giá tiềm năng hợp tác kinh tế song phương trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay như năng lượng tái tạo, khoa học – công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số…?
Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Brazil rất to lớn.
Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, Brazil cũng là nền kinh tế lớn nhất ở khu vực này và luôn nắm giữ vai trò quan trọng trong các tổ chức hợp tác và liên kết vùng. Brazil đồng thời là thành viên của nhóm G20, BRICS và MECOSUR.
Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Brazil lâu nay rất tốt đẹp và liên tục phát triển, cho dù vẫn chưa được như mong muốn và tương xứng với tiềm năng của cả hai bên.
Chống biến đổi khí hậu, phát triển nguồn năng lượng mới, chuyển đổi số, đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực, hội nhập và an ninh khu vực, tăng trưởng bền vững và bình đẳng trong quan hệ quốc tế… đều là những lĩnh vực mà sự tương đồng quan điểm giữa hai bên rất sâu rộng.
Hai bên có thể vừa học hỏi lẫn nhau, vừa trợ giúp cho nhau và vừa dựa vào nhau để cùng giải quyết những vấn đề liên quan, tận dụng cơ hội để cùng phát triển. Khai thác những tiềm năng này sẽ có lợi to lớn và thiết thực đối với cả hai nước.
Đối với Việt Nam, Brazil là đối tác quan trọng số 1 ở khu vực Nam Mỹ. Với diện tích lớn thứ 5 trên thế giới và 211 triệu dân, Brazil thực sự là một thị trường tiềm năng cho Việt Nam.
Brazil cũng là cửa ngõ để Việt Nam đi vào các thị trường khu vực Mỹ Latinh, cũng giống như Việt Nam là cánh cửa để Brazil vào ASEAN và các nước châu Á. Việt Nam đang tiến tới đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhóm các nước ở Mỹ Latinh và sự ủng hộ của Brazil rất quan trọng trong quá trình đàm phán.
Đại sứ Việt Nam tại Brazil Phan Thị Kim Hoa thăm, làm việc tại bang Amazonas, tháng 4/2022. |
Cách nhau nửa vòng trái đất, theo Đại sứ, làm thế nào để doanh nghiệp hai nước mạnh dạn vươn xa tầm với để thúc đẩy đầu tư song phương?
Khoảng cách xa xôi về địa lý là một nhân tố tác động bất lợi tới việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Giới kinh tế hai nước, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn và ngần ngại bởi sự cách trở về địa lý này.
Ngoài ra, doanh nghiệp hai bên còn gặp nhiều trở ngại về ngôn ngữ (Brazil là quốc gia sử dụng tiếng Bồ Đào Nha) hay việc lệch múi giờ cũng làm các doanh nghiệp khó khăn trong trao đổi, tiếp xúc.
Ngày nay, nền tảng công nghệ số đã giúp các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin. Trao đổi trực tuyến, các cuộc họp online giúp duy trì được kênh liên hệ. Tuy nhiên, tất cả đều không thể bằng và không thể thay thế được tiếp xúc, gặp gỡ và trao đổi trực tiếp, tìm hiểu tình hình thực tế tại nơi, tại chỗ, tận mắt thấy tiềm năng của hai bên.
Để giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn và vượt qua ngại ngần này, Chính phủ hai nước cần có những biện pháp chính sách hậu thuẫn thiết thực, tạo dựng những khuôn khổ, diễn đàn để giới doanh nghiệp hai nước thường xuyên gặp gỡ và bàn thảo trực tiếp với nhau.
Hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, phối hợp tổ chức những sự kiện định kỳ để tăng cường giới thiệu, quảng bá về nhau, làm “bà đỡ” cho những dự án hợp tác mới. Bên cạnh đó, Chính phủ hai nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho giới doanh nghiệp vươn xa.
Chính vì vậy, trong khuôn khổ chuyến thăm Brazil lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Brazil được tổ chức tại bang Sao Paulo nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của doanh nghiệp của hai nước. Thông qua diễn đàn, hai bên sẽ cùng tìm hiểu những cơ hội, khả năng đáp ứng và mở ra những hướng đi mới, táo bạo. Đây cũng là dịp để Chính phủ hai nước cùng bàn bạc để tháo gỡ những khó khăn và tạo động lực để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vươn xa.
Sự kiện “Cà phê cùng Đại sứ – phiên bản Việt Nam” tại Brazil vừa qua đã được tổ chức thành công, nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Brazil. Xin Đại sứ chia sẻ về ý tưởng tổ chức sự kiện này và nỗ lực thực hiện công tác ngoại giao kinh tế của Đại sứ quán trong thời gian qua?
Như các bạn cũng biết, Brazil đứng số 1 thế giới về sản lượng xuất khẩu cà phê Arabica, còn Việt Nam lại nổi tiếng với cà phê Robusta (vị đắng, thơm với hàm lượng caffein cao hơn). Các bạn Brazil rất thích cà phê Việt Nam.
Có lần, trong một cuộc nói chuyện với các nhà báo Brazil, tôi chia sẻ ý tưởng muốn mời các bạn thưởng thức hương vị cà phê Việt Nam. Từ đó, sự kiện “Cà phê cùng Đại sứ – phiên bản Việt Nam” đã ra đời với sự hỗ trợ của Liên đoàn Thương mại Hàng hóa, Dịch vụ và Du lịch của quận Liên bang (Fecomércio-DF) cùng Viện Xuất khẩu Trẻ (IJEx).
Sự kiện không chỉ dừng lại ở việc uống cà phê mà chúng tôi đã có một buổi tọa đàm, chia sẻ những khó khăn sau thời kỳ đại dịch, nỗ lực đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ vào kinh doanh và bài học đi đến thành công với gần 150 khách mời, trong đó có nhiều đại diện doanh nghiệp trong các lĩnh vực như nông sản, dịch vụ, logistics, du lịch, sản xuất…
Nằm trong chuỗi các hoạt động thực hiện công tác ngoại giao kinh tế, trong ba năm vừa qua, Đại sứ quán đã tổ chức rất nhiều cuộc gặp gỡ với giới doanh nghiệp, các hiệp hội thương mại của các bang để quảng bá về sản phẩm của Việt Nam. Cơ quan đại diện đã chủ động và tích cực tham gia các sự kiện như Innova Summit, các hội chợ thương mại, các hoạt động văn hóa để lồng ghép việc cung cấp thông tin, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội hợp tác với Việt Nam.
Chúng tôi cũng thường xuyên cung cấp tin bài cho các nhà báo để bạn bè Brazil dễ dàng tìm hiểu về chính sách đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh Brazil, Đại sứ quán còn kiêm nhiệm các nước như Peru, Suriname, Guyana và Bolivia. Ở các nước này, chúng tôi đều có quan hệ với các hiệp hội thương mại ở sở tại và thông qua Lãnh sự danh dự để thúc đẩy nhiệm vụ ngoại giao kinh tế.
Xin cảm ơn Đại sứ!