Theo Tổ chức Y tế thế giới, ít nhất 619 triệu người trên toàn cầu bị đau lưng dưới vào năm 2020. Theo ước tính, 843 triệu người sẽ bị đau lưng dưới vào năm 2050.
Nhiều người lầm tưởng rằng đau lưng là tình trạng sức khỏe ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, đây lại là căn bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi, theo Health Shots (Ấn Độ).
Dấu hiệu đau lưng cảnh báo tình trạng sức khỏe tiềm ẩn
Đau nhói có thể là dấu hiệu của việc chấn thương cơ, dây chằng hoặc các vấn đề nội tạng. Trong khi đó, những cơn đau lan tỏa có thể là dấu hiệu của tình trạng chèn ép dây thần kinh, đĩa đệm bị vỡ hoặc thoát vị, đau thần kinh tọa, đau chân.
Tình trạng yếu chân đột ngột có thể là dấu hiệu của sự chèn ép dây thần kinh hoặc thậm chí là đột quỵ. Ngoài ra, đi tiểu không tự chủ, mất cảm giác mông, vùng sinh dục và mặt trong đùi cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng về thần kinh hoặc cột sống.
Nguyên nhân gây đau lưng
Đau lưng có thể phát sinh từ nhiều lý do khác nhau.
Ở độ tuổi trẻ (từ 20 và 30), ngồi quá lâu hoặc tập thể dục quá sức sẽ là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau lưng.
Khi về già, bệnh thoái hóa đĩa đệm và viêm khớp thắt lưng là tình trạng sức khỏe phổ biến, ảnh hưởng đến các vùng khác nhau của cột sống.
Những lầm tưởng về đau lưng
Thứ nhất, có lầm tưởng rằng nghỉ ngơi trên giường là cách phục hồi tốt nhất khi bị đau lựng. Tuy nhiên, bên cạnh việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn bác sĩ thì những cử động nhẹ nhàng thường có hiệu quả trong việc giảm đau lưng.
Thứ hai, một số người quan niệm sai lầm rằng thoát vị đĩa đệm hay trượt đĩa đệm luôn cần phải phẫu thuật. Trong phần lớn các trường hợp, thoát vị đĩa đệm sẽ tự cải thiện bằng cách giảm hoạt động và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu các phương pháp điều trị này không hiệu quả, kèm theo đó là các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng thì phương pháp điều trị bằng phẫu thuật sẽ được xem xét.
Thứ ba, tập thể dục không thể ngăn ngừa được tình trạng đau lưng hoàn toàn. Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe của bạn. Tập thể dục thường xuyên có thể tăng cường cơ lưng và cải thiện tính linh hoạt, điều này có thể làm giảm nguy cơ đau lưng. Tuy nhiên, các yếu tố khác như gắng sức quá mức, cột sống bất thường và hao mòn tự nhiên vẫn có thể gây nên các vấn đề về lưng.
Thứ tư, chấn thương không phải luôn là nguyên nhân của tình trạng đau lưng. Tai nạn, té ngã chỉ là một phần nguyên nhân gây đau lưng. Nguyên nhân chính là việc ngồi hoặc đứng sai tư thế trong một thời gian dài, gây áp lực lên lưng.