Sầu riêng Việt mới chiếm khoảng 5% thị phần tại thị trường Trung Quốc Thực hư chuyện bán sầu riêng non |
Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thu hoạch non, quả chưa đủ độ chín sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng, uy tín sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới. Việc ban hành quy định chặn thu hoạch sầu riêng non là cần thiết, tuy nhiên, tại sao đây lại là quy trình tạm thời, thưa ông?
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 362/QĐ-TT-CCN ngày 9/10/2023 về quy trình kỹ thuật việc cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng.
Bộ Nông nghiệp ban hành quy định chặn thu hoạch sầu riêng non. Ảnh: PV/Vietnam+ |
Nội dung quy trình tập trung một số kỹ thuật liên quan thụ phấn bổ sung, tỉa hoa, tỉa quả; khắc phục hiện tượng sượng cơm, cháy múi; thu hoạch sầu riêng… Đây là những kỹ thuật tác động đến năng suất, chất lượng quả sầu riêng. Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu riêng, đầy đủ các kỹ thuật này đối với từng giống cũng như từng vùng trồng, mùa vụ sầu riêng khác nhau.
Do vậy, quy trình này là tạm thời, được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn của chuyên gia, đơn vị liên quan nhằm kịp thời phục vụ yêu cầu sản xuất. Cục Trồng trọt sẽ tiến hành cập nhật, bổ sung từ các ý kiến phản hồi trong quá trình áp dụng qua thực tế sản xuất.
Lý do khiến Bộ phải ban hành quy trình này là gì, thưa ông?
Diện tích sầu riêng nước ta trong một số năm gần đây tăng trưởng nhanh, hiện đạt trên 120 ngàn ha, vùng trồng tại khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.
Sầu riêng đã và đang là sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao nhất trong ngành hàng rau quả, hiện xuất khẩu sầu riêng đạt xấp xỉ 2 tỷ USD. Để phát triển sầu riêng hiệu quả, bền vững cần quan tâm, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, tạo sức cạnh tranh về thị phần.
Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) |
Đặc biệt, cùng với năng suất thì chất lượng quả có vai trò quan trọng, trong đó hiện tượng thu hoạch non, quả chưa đủ độ chín sẽ gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng, uy tín sầu riêng Việt Nam.
Quy định này tại sao lại chỉ áp dụng cho Ri6, Dona? Hiện ở Việt Nam những giống này chiếm bao nhiêu %, thưa ông?
Ri6 và Dona hiện là hai giống chủ lực, chiếm trên 95% trong sản xuất sầu riêng nước ta hiện nay (trong đó giống Ri6 phổ biến hơn tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, giống Dona sử dụng nhiều hơn tại vùng Tây Nguyên) và được các đơn vị quan tâm nghiên cứu, nhà vườn đầu tư phát triển trong thời gian qua.
Cùng với sầu riêng, trong thời gian qua, trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất của các đơn vị và kết quả một số dự án hỗ trợ kỹ thuật, Cục Trồng trọt đã ban hành quy trình/tài liệu kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch cho nhiều loại cây trồng, quả để phục vụ sản xuất như: lúa, vải, nhãn, cam, bưởi, xoài, sầu riêng, chôm chôm, chuối, dứa… trong đó đã có những khuyến cáo về thời gian thu hoạch với các loại.
Việt Nam có rất nhiều loài cây trồng khác nhau, do vậy, Cục sẽ ưu tiên xây dựng và ban hành quy trình canh tác (bao gồm có nội dung về thu hoạch) với các loại cây trồng chủ lực.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn khi ban hành quy trình này sẽ thu được kết quả gì, thưa ông?
Quy trình này mang tính chất khuyến cáo, hướng dẫn nên không có tính bắt buộc thực hiện. Tuy nhiên đây là cơ sở để các địa phương, đơn vị khuyến cáo phổ biến trong sản xuất, hướng dẫn các nhà vườn thực hiện để nâng cao năng suất, chất lượng quả sầu riêng, tránh hiện tượng thu hoạch non như đã xảy ra.
Với quy trình được ban hành, sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, nhà vườn và doanh nghiệp sẽ góp nâng cao chất lượng quả sầu riêng, nâng tầm vị thế của sầu riêng Việt Nam.
Xin cám ơn ông!