Đau đầu gối ở người trẻ thường do vận động quá sức hay chấn thương, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh như viêm khớp, hội chứng chè đùi.
ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đau đầu gối ở người trẻ có thể do nhiều nguyên nhân, nên triệu chứng và phương pháp điều trị khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp.
Chấn thương khi chơi thể thao như rách sụn chêm đầu gối, đứt dây chằng đầu gối, viêm gân đầu gối, viêm màng hoạt dịch, trật xương bánh chè… Mỗi chấn thương có triệu chứng khác nhau nhưng nhìn chung người bệnh cảm thấy đau khớp gối, đi lại khó khăn.
Hội chứng chè đùi là tình trạng mất cân bằng giữa các cơ hỗ trợ và giúp khớp gối di chuyển. Cơ đùi yếu hoặc cơ, gân xung quanh gối căng quá mức có thể làm thay đổi cách hoạt động của đầu gối, tạo ra các vùng căng và áp lực bên trong khớp gối.
Về lâu dài, những khu vực này có thể bị kích thích và viêm, gây đau xung quanh xương bánh chè và phía trước đầu gối. Lúc này, người bệnh cảm thấy đau hoặc cứng khớp gối khi quỳ, ngồi xổm, leo cầu thang…
Hội chứng Sinding – Larsen Johansson là tình trạng viêm, đau và khó chịu ở phần cuối xương bánh chè, tổn thương sụn; gây cứng khớp gối, khó giữ thăng bằng và dáng đi bất thường. Chấn thương xảy ra do cơ đùi co thắt lặp đi lặp lại trong thời gian dài.
Viêm điểm bám lồi củ chày gây đau ở vị trí dưới xương bánh chè khoảng 2,5 cm. Tình trạng này phổ biến ở nam giới hơn và thường xảy ra do cơ đùi hoạt động quá mức. Triệu chứng thường gặp của bệnh là đau ở vùng phía trên lồi củ chày, nặng hơn trong hoặc ngay sau khi hoạt động, giảm tầm vận động, dáng đi thay đổi, khó giữ thăng bằng.
Viêm khớp vị thành niên là bệnh viêm khớp dạng thấp, gây đau, sưng, cứng ở khớp gối, người bệnh đi khập khiễng vào sáng sớm, giảm khả năng chịu lực ở chân bị đau khớp… Bệnh phổ biến ở người béo phì, thường xuyên xoay người, chạy nhảy hoặc các động tác mạnh khác.
Theo bác sĩ Duy, đa số trường hợp đau khớp gối ở người trẻ tuổi có thể được điều trị bảo tồn bằng cách kết hợp chăm sóc tại chỗ, dùng thuốc và vật lý trị liệu. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan, cần sớm đến bác sĩ khám nếu có dấu hiệu bất thường. Từ đó, bác sĩ có phác đồ điều trị thích hợp, tránh hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh. Nếu các biện pháp bảo tồn không hiệu quả, đau ngày càng nghiêm trọng, rách nhiều mô mềm, chấn thương làm gãy xương, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, người bệnh có thể phải phẫu thuật.
Để tránh đau khớp gối do chấn thương hoặc hoạt động quá sức, bác sĩ Duy khuyến cáo mọi người mang giày phù hợp, đeo dụng cụ bảo hộ nếu cần khi vận động. Tập luyện đúng cách và bài bản, luôn khởi động và thực hiện bài tập hạ nhiệt sau khi tập luyện. Tập yoga hoặc kéo giãn phù hợp để giữ cho cơ đầu gối linh hoạt và mạnh mẽ. Tránh hoạt động gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng đau đầu gối.
Phi Hồng