Về vấn đề này, PGS, TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, chia sẻ: Thời gian gần đây, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do viêm phổi, trong số đó nhiều trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae (vi khuẩn không điển hình) với các triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Nếu không chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng.

Bác sĩ khám cho một bệnh nhi viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma. Ảnh minh họa: dantri.com.vn

Trung tâm Hô hấp có hơn 150 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó các ca nhiễm Mycoplasma pneumoniae chiếm khoảng 30%. Nghĩa là hằng ngày có từ 30 đến 40 bệnh nhân nằm điều trị. Viêm phổi có nhiều căn nguyên, trong đó Mycoplasma pneumoniae là tác nhân quan trọng gây viêm phổi cộng đồng ở trẻ em. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp ở nhóm trẻ lớn.

Khi vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae xâm nhập cơ thể, thời gian ủ bệnh từ 2 đến 3 tuần. Sau thời gian này, bệnh sẽ khởi phát và trải qua một số triệu chứng như khởi đầu trẻ có những biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ. Sau đó, trẻ sốt tăng lên, ho nhiều, ho cơn dài, có thể kèm theo thở nhanh, khó thở. Những trẻ lớn có thể có cảm giác đau ngực, đau đầu, đau cơ, cứng cơ… Trong một số trường hợp, trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae có thể có các biểu hiện ngoài phổi khác như: Viêm kết mạc, nổi mày đay trên da, biến chứng tim mạch, biến chứng đường tiêu hóa, tiết niệu…

Các triệu chứng viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae ở trẻ rất dễ nhầm với những tác nhân viêm phổi khác như virus, vi khuẩn khác vì đều có các biểu hiện: Sốt, ho, khó thở hoặc chụp phim X-quang ngực có những tổn thương trên phim. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định tác nhân viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae cần phải làm xét nghiệm đặc hiệu. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân được làm xét nghiệm huyết thanh học chẩn đoán (Mycoplasma IgM), hoặc kỹ thuật xác định chuỗi ADN của Mycoplasma pneumoniae trong dịch tiết đường hô hấp bằng kỹ thuật xét nghiệm Real-time PCR.

Về điều trị, khi bệnh nhân nhập viện, phải bảo đảm nguyên tắc chống suy hô hấp đầu tiên. Các biện pháp hỗ trợ chống suy hô hấp bao gồm thông thoáng đường thở, liệu pháp oxy tùy từng mức độ như: Thở oxy qua gọng, qua mask, hoặc hỗ trợ máy thở. Điều trị kháng sinh phù hợp, chăm sóc hỗ trợ và dinh dưỡng nâng cao thể trạng đóng vai trò quyết định. Với những bệnh nhân có biến chứng khác ngoài phổi, cần phải hội chẩn với các chuyên khoa để điều trị thích hợp.

Viêm phổi do vi khuẩn hay virus nói chung và viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae nói riêng lây truyền qua đường tiếp xúc với giọt bắn chứa tác nhân gây bệnh, cho đến nay chưa có vaccine phòng Mycoplasma pneumoniae.

Để dự phòng cho trẻ, cha mẹ cần rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng mát; không để trẻ tiếp xúc với những trẻ có biểu hiện ho, sốt. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Ăn thức ăn có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, bảo đảm đầy đủ vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ tiêm vaccine phòng nhiễm trùng hô hấp theo đúng lịch, do nhiễm Mycoplasma pneumoniae có thể đồng nhiễm thêm những vi khuẩn khác như phế cầu, Hib…

Bác sĩ khuyến cáo, nếu thấy trẻ có những biểu hiện như viêm long đường hô hấp, sốt cao, ho, khó thở và đặc biệt xảy ra ở những trẻ lớn, cha mẹ nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, làm xét nghiệm chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Các thắc mắc về sức khỏe xin được gửi về Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: [email protected], [email protected]. Điện thoại: 0243.8456735.