Nhìn chung, khái niệm THHP không thể nêu ra một cách phổ quát, chung cho toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều học giả đã đã ví THHP như “tảng băng có 3 lớp” với 2 lớp nổi và 1 lớp chìm, được nhiều người thừa nhận. Có thể nói, đây là sáng kiến giúp chúng ta có một cách nhìn đơn giản và trực quan hơn để nhận ra THHP.
Lớp “nhìn thấy được”, gây ấn tượng mạnh là ở tính khang trang, quy củ, xanh – sạch – đẹp. Mọi người sẽ thấy hài lòng về cách bố trí cảnh quan của các công trình, hiện diện bởi sự hợp lý, đậm nét văn hóa và gần gũi với nhà trường. Sự nổi bật, khác biệt, bởi bộ đồng phục và phù hiệu của giáo viên và học sinh. Đặc biệt, cảm nhận một cách nhẹ nhàng, ở tiếng học trò đùa vui hay thoảng qua với nụ cười tươi tắn thày cô… Người ta nói, chỉ cần quan sát hay tương tác với bảo vệ cổng trường là thấy các mối quan hệ trong trường sẽ là như thế nào.
Nhiều khẩu hiệu, danh ngôn như nhắc nhớ cộng đồng trường học, dễ hiểu và dễ đi vào lòng người: “Trường học hạnh phúc”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” hay “Trường là nhà của em”. Có thể nói trong lớp nhận diện này, ta luôn có cảm xúc dễ chịu, thoảng qua nhưng lại mang tới sự cảm mến thân thương và sâu lắng của chủ nhà và cả khách mời khi được tới trải nghiệm ngôi trường này.
Lớp tiếp theo được nhận diện qua các hành vi của các thành viên của nhà trường, thể hiện trong cách ứng xử với nhau và với đối tác, là biểu hiện của quy tắc văn hóa trong đời sống, trong hoạt động giáo dục, các khía cạnh liên quan đến lòng tự trọng, quan hệ liên cá nhân giữa thầy và trò, giữa các đồng nghiệp và các đồng môn. Người ta cũng có thể nhận diện thông qua “lời ăn, tiếng nói, phong cách giao tiếp, ứng xử”.
Lớp trước nhận diện, cảm xúc dâng trào, xáo trộn, trong lớp này ta lại cần làm chủ cảm xúc hơn và bước đầu phân tích, tìm hiểu được môi trường văn hóa lành mạnh học đường, theo chiều sâu. Người thật, việc thật và hành vi thật đang hiện diện trong trường. Xưng hô chuẩn trong trường là thầy cô và các em học sinh. Cách gọi theo tuổi tác thứ bậc trong gia đình hay ngoài xã hội sẽ không duy trì ở môi trường nhà trường này. Học sinh lễ phép, kính trọng thầy cô nhưng phải tự nhiên, chân thành và không khiên cưỡng. Giáo viên và học sinh có không gian riêng, nhưng vẫn không cảm thấy cách biệt và xa lánh. Học tập trong không gian bền vững với môi trường đảm bảo về ánh sáng, nhiệt độ, tiếng ồn, vệ sinh cùng với dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày. Khu công trình phụ phải biến đổi thành khu chính, sạch, dễ chịu và thân thiện cho thầy cô và học sinh.
Lớp cuối cùng là “phần chìm”, khó nhìn thấy nhưng lại quyết định toàn bộ phần nổi, đó là các chuẩn mực giá trị của môi trường văn hóa của một nhà trường: giá trị (chân, thiện, mỹ), niềm tin, kỳ vọng, ý thức; các mối quan hệ, không gian học đường và tổ chức chương trình giảng dạy nhà trường. Những dấu hiệu để nhận thấy ở lớp cuối này là thông qua thái độ và trách nhiệm đối với sự phát triển nhà trường; phong cách lãnh đạo; mức độ chuyên nghiệp trong thực thi các hoạt động giáo dục của các thành viên trong nhà trường; “nói đi đôi với làm”, không vì bệnh thành tích ảo. Xác định tầm nhìn nhà trường cần thực hiện, làm được theo trung hạn, dài hạn và kế hoạch phát triển THHP chi tiết và khả thi. Do vậy, cần thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, phỏng vấn giáo viên và học sinh để nhận diện chính xác một cách rất “thật” và bền vững về THHP.
Để xây dựng được THHP đã khó, duy trì và phát triển bền vững cho các thế hệ nối tiếp cũng không dễ chút nào. THHP vẫn luôn là mục tiêu và con đường nâng cao chất lượng giáo dục trong thời kỳ đổi mới.
Nguồn: https://daidoanket.vn/dau-hieu-nhan-biet-truong-hoc-hanh-phuc-10286184.html