GĐXH – Bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý theo dõi, duy trì đường huyết ổn định để ngăn ngừa biến chứng xảy ra.
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường là một tình trạng bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Nguyên nhân thường là do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định, có thể thiếu hoặc thậm chí thừa.
Người bệnh đái tháo đường nếu kiểm soát được lượng đường trong máu và thường xuyên theo dõi tốt thì chắc chắn lượng đường nằm trong mức an toàn, gần như người bình thường. Còn nếu đường huyết lên cao mất kiểm soát, người bệnh rất dễ gặp phải biến chứng của bệnh tiểu đường.
Dấu hiệu đường huyết tăng cao đột biến
Triệu chứng đắng miệng
Khi lượng đường trong máu tăng cao, người bệnh thường mắc các bệnh về hệ tiêu hóa như chứng viêm dạ dày mãn tính hoặc trào ngược dịch mật, dễ bị đắng miệng.
Nếu triệu chứng đắng miệng xảy ra, bạn có thể điều trị bằng thuốc, cải thiện chế độ ăn uống hoặc có thể tiến hành siêu âm, nội soi dạ dày để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Buồn ngủ và thiếu năng lượng
Việc lượng đường trong máu tăng liên tục sẽ khiến cơ thể chúng ta mất nhiều đường, thể lực suy yếu, dẫn đến suy nhược, thiếu năng lượng, buồn ngủ trong thời gian dài, đây cũng là tình trạng điển hình của người mắc bệnh tiểu đường.
Ngứa da
Loại trừ ảnh hưởng của các yếu tố môi trường bên ngoài và các yếu tố dị ứng, nếu các triệu chứng ngứa không rõ nguyên nhân xuất hiện trên bề mặt da trong thời gian ngắn, cần theo dõi kịp thời lượng đường trong máu để tránh rối loạn chức năng trao đổi chất do nồng độ tăng cao.
Nhìn mờ
Sau khi lượng đường trong máu tăng lên, glucose và các chất chuyển hóa của nó đi vào nhãn cầu, gây giãn thủy tinh thể và mờ mắt. Khi bệnh tiến triển, có thể gây mù mắt.
Vì vậy, nếu gần đây bạn bị mờ mắt và giảm thị lực không rõ nguyên nhân thì bạn phải cảnh giác và đo lượng đường trong máu càng sớm càng tốt.
Tê chân tay
Đường huyết cao kéo dài gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, khi lượng đường trong máu dao động đáng kể, triệu chứng chính của nhiều người là tê chân tay.
Khi lượng đường trong máu tăng cao có thể gây tổn thương mạch máu và dây thần kinh, máu không thể duy trì lưu thông bình thường, dẫn đến tê chân tay.
Người bệnh tiểu đường cần làm gì để kiểm soát đường huyết
Tuân thủ thuốc điều trị
Bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính, do vậy bệnh nhân có thể cần dùng thuốc điều trị lâu dài theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cần tái khám định kỳ 1 – 3 tháng/lần tùy tình trạng bệnh nhân để bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh, đánh giá hiệu quả của thuốc cũng như xem xét thay đổi liều dùng nếu cần thiết.
Kiểm soát tốt đường huyết
Đây là cách ngăn ngừa biến chứng do tiểu đường tốt nhất, bạn cần giữ chỉ số đường huyết nằm trong mức an toàn như sau: HbA1c
Kiểm soát chế độ ăn
Bệnh nhân tiểu đường cần đặc biệt lưu ý kiểm soát chế độ ăn để tránh đường huyết tăng cao đột ngột. Các thực phẩm nên hạn chế ăn gồm: thực phẩm chứa nhiều chất bột đường, muối, chất béo xấu, chất đạm từ động vật.
Thay vào đó, bệnh nhân nên ăn nhiều rau củ quả, thực phẩm giàu chất xơ hòa tan ở dạng hấp, luộc để hạn chế chất béo. Ngoài ra, nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày để tránh cơ thể hấp thụ quá nhiều đường trong thực phẩm làm tăng đường huyết.
Duy trì những bài tập phù hợp
Bệnh nhân nên tập thể dục thường xuyên hằng ngày để giảm đề kháng insulin, từ đó giảm đường huyết cũng như ngăn ngừa các biến chứng tim mạch, thần kinh, thận, mắt… hiệu quả.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/dau-hieu-duong-huyet-tang-vot-nguoi-benh-tieu-duong-can-kiem-soat-de-phong-bien-chung-172241104152526678.htm