Vitamin B12 quan trọng thế nào với cơ thể?
Vitamin B12 là một vitamin đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của cơ thể. Từ việc sản xuất DNA và tế bào hồng cầu, hỗ trợ hệ miễn dịch cho đến việc kích thích hoạt động của tế bào thần kinh. Đây là loại vitamin lớn nhất và có cấu trúc phức tạp nhất.
B12 chỉ có trong các sản phẩm từ động vật. Điều đó có nghĩa là những người không ăn thịt hay ăn sản phẩm từ sữa (như người ăn chay), hoặc những người gặp vấn đề về tiêu hóa có thể bị thiếu vitamin B12.
Cơ thể cần bao nhiêu vitamin B12 mỗi ngày?
Thông thường, một cơ thể khỏe mạnh cần ít nhất 2,4 microgram (mcg) vitamin B12/ngày (với phụ nữ có thai là 2,6mg và đang cho con bú là 2,8mg/ ngày). Nếu bạn không hấp thụ đủ lượng vitamin B12 đó, bạn có thể bị thiếu máu, mệt mỏi hay trầm cảm, và nếu tình trạng này kéo dài, não bộ và hệ thần kinh trung ương của bạn có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
Dấu hiệu nhận biết bạn đang thiếu vitamin B12
Nếu bạn đang thiếu hụt vitamin B12 ở mức độ nhẹ có thể sẽ không thấy rõ các biểu hiện. Tuy nhiên, khi bị thiếu hụt lượng vitamin B12 trong một thời gian dài, bạn sẽ xuất hiện các dấu hiệu như sau:
Mệt mỏi, chóng mặt
Triệu chứng phổ biến nhất khi thiếu vitamin B12 là thường xuyên buồn ngủ, mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
Tê bì tay chân
Thiếu hụt vitamin B12 cũng có thể dẫn đến các vấn đề nặng hơn như thoái hóa dây thần kinh tủy sống, dây thần kinh ngoại biên, điều này có thể gây ra triệu chứng như tê bì chân tay và suy giảm thị lực.
Tim đập nhanh
Tình trạng thiếu hụt loại vitamin này có thể làm giảm lưu lượng oxy đến các mô, gây ra thiếu máu và từ đó dẫn đến khó thở, tim đập nhanh.
Suy giảm thị lực
Thiếu vitamin B12 gây ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác, từ đó có thể làm suy giảm thị lực thậm chí đục thủy tinh thể.
Táo bón
Thiếu hụt vitamin B12 có thể gây ra vấn đề về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy và đầy hơi. Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong quá trình duy trì sự lành mạnh của hệ tiêu hóa.
Căng thẳng
Thiếu hụt vitamin B12 có thể ảnh hưởng đến sản xuất serotonin, dẫn đến mức độ serotonin thấp trong não. Điều này có thể gây ra các vấn đề về tâm lý như lo âu, buồn chán và trầm cảm.
6 thực phẩm giàu vitamin B12 nên bổ sung vào thực đơn
Gan động vật
Nội tạng động vật, nhất là gan dự trữ lượng vitamin B12 nhiều nhất. Trong đó, các loại gan lợn, cừu, gan bò, gan bê là các loại thực phẩm giúp bổ sung một lượng vitamin B12 đáng kể. Tuy nhiên, đây là nhóm thực phẩm không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là những người thừa cân, béo phì hoặc đang có vấn đề về mỡ máu… nên cần đến sự tư vấn của bác sĩ trước khi quyết định bổ sung thực phẩm này vào thực đơn.
Sữa và sản phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai… có chứa nhiều protein và các loại vitamin, trong đó phải có vitamin B12. Khi uống một ly sữa nguyên chất, bạn đã có thể bổ sung khoảng 46% nhu cầu vitamin B12 của cơ thể. Hơn nữa, cơ thể thường hấp thụ vitamin B12 từ sữa tốt hơn những loại thực phẩm khác.
Ngũ cốc
Nếu là người ăn chay hoặc ăn chay trường, một số loại ngũ cốc là nguồn cung cấp vitamin B12 tuyệt vời. Chỉ cần đảm bảo chọn loại ngũ cốc ít đường bổ sung, nhiều chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt.
Trứng
Lòng đỏ trứng chứa nhiều vitamin B12 hơn lòng trắng trứng. Vì vậy, điều quan trọng là phải ăn cả quả trứng nếu đang cố gắng tăng lượng vitamin B12 cho cơ thể. Nhưng nếu là người có cholesterol cao, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi tiêu thụ trứng trong các bữa ăn.
Cá béo
Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá mòi giàu axit omega-3 và protein, cũng như các vitamin như vitamin B12. Chính vì thế, nhiều người cố gắng ăn uống lành mạnh hơn bằng cách đưa các loại cá này vào chế độ ăn.
Thịt bò
Thịt bò là thực phẩm chứa hàm lượng lớn vitamin B12. Bên cạnh đó, thịt bò còn có nhiều protein, các loại vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe. Các chuyên gia khuyến cáo, nên ăn khoảng 100g thịt đỏ 1-2 lần/tuần. Theo nguyên tắc chung, hãy chọn loại thịt nạc hơn, có chứa hàm lượng vitamin cao hơn.