Đau khớp ngón tay hoặc ngón tay biến dạng bất thường… là những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý viêm khớp ngón tay, cần được thăm khám và điều trị sớm.
Viêm khớp ngón tay là tình trạng sụn nằm tại đầu những xương hình thành khớp ngón tay bị mòn hoặc thoái hóa, diễn ra từ từ trong nhiều năm. Bệnh lý này có thể xảy ra tại bất kỳ ngón tay nào như khớp ngón tay cái, khớp ngón tay út…
ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết đau sưng khớp ngón tay có nguy hiểm hay không sẽ tùy thuộc yếu tố gây bệnh và mức độ bệnh hiện tại. Dù viêm khớp ngón tay xuất phát từ nguyên nhân nào, nếu không điều trị kịp thời cũng dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho tay như: mất chức năng vận động tạm thời, khớp co cứng, teo cơ biến dạng khớp. Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị.
Một số dấu hiệu cảnh báo viêm khớp ngón tay như:
Đau khớp ngón tay
Đây là triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất. Các cơn đau có thể xuất hiện ở gốc ngón tay khi cầm nắm, chụp một vật nào đó hoặc sử dụng lực các ngón tay. Cơn đau chỉ xuất hiện khi người bệnh cầm, nắm một vật. Khi hoạt động, cơn đau sẽ giảm bớt. Sau vài phút nghỉ ngơi, tình trạng cứng khớp và đau nhức sẽ tăng lên. Về lâu dài, khi tình trạng viêm nặng hơn, cơn đau ở khớp ngón tay có thể xuất hiện ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi.
Biến dạng ngón tay
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, không chỉ mức độ đau tăng lên mà ngón tay của người bệnh còn có xu hướng biến dạng. Những khớp ngón tay bắt đầu cong nghiêng về phía ngón út. Đây là hiện tượng lệch về bên xương trụ, gây đau và yếu tay. Người bệnh gặp nhiều khó khăn khi dùng bàn tay trong các hoạt động hàng ngày.
Biến dạng khớp liên đốt
Đây là tình trạng khớp liên đốt ngón tay bị gập hay duỗi quá mức, tạo thành biến dạng. Có 2 dạng biến dạng khớp liên đốt là biến dạng cổ thiên nga và biến dạng boutonniere. Biến dạng cổ thiên nga xảy ra khi các khớp liên đốt gần bàn tay bị lỏng, duỗi quá mức, khớp liên đốt xa bàn tay bị gập lại. Trong khi biến dạng boutonniere là tình trạng ngược lại, các khớp liên đốt gần bị gập và khớp liên đốt xa duỗi ra.
Ngoài ra, khớp ngón tay bị viêm còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như sưng, cứng, ấm, đau tại gốc ngón tay, giảm sức mạnh khi cầm nắm, giảm tầm vận động động, khớp ở gốc ngón tay to ra hoặc nhìn thấy cục xương.
Bác sĩ Thanh Tú chia sẻ, ở giai đoạn đầu, viêm khớp ngón tay được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn như:
Dùng thuốc: Nếu khớp ngón tay chỉ đau khi làm việc nhiều hoặc làm việc nặng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau, kháng viêm. Để kiểm soát các triệu chứng tốt hơn, người bệnh cần hạn chế hoạt động nặng, ngừng làm các công việc yêu cầu cử động lặp đi lặp lại của bàn tay và ngón tay.
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu: Thuốc tiêm này kích thích tế bào biểu mô, tạo chất nền, phân chia tế bào, tái tạo tế bào máu, kích thích phát triển mạch máu, qua đó hỗ trợ tái sinh những mô bị hư hại, giúp tế bào khỏe mạnh hơn. Với những tổn thương cơ xương khớp, huyết tương giàu tiểu cầu giúp kháng viêm, chấm dứt nhanh chóng các cơn đau, cải thiện khả năng vận động cho cơ và khớp.
Vật lý trị liệu: Mục tiêu của các bài tập này là giúp kiểm soát tốt triệu chứng bệnh, duy trì tình trạng ổn định cho bàn tay và những khớp tay. Các bài tập về biên độ chuyển động và căng cơ sẽ giúp người bệnh cải thiện khả năng vận động của ngón tay. Bài tập tăng sức mạnh cho bàn tay, cánh tay giúp giữ vững bàn tay, bảo vệ ngón tay khi bị sốc hoặc áp lực.
Băng thun hoặc nẹp ngón tay: Phương pháp này giúp giảm đau, định vị đúng khớp, ngăn ngừa biến dạng khớp, giúp khớp nghỉ ngơi. Người bệnh có thể đeo nẹp vào ban đêm hoặc đeo cả ngày nếu không cảm thấy trở ngại trong công việc, sinh hoạt.
Phẫu thuật: Khi viêm khớp ngón tay phát triển nặng, các phương pháp điều nội khoa không hiệu quả, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Những phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến trong điều trị viêm khớp ngón tay gồm hàn xương và thay khớp nhân tạo.
Phi Hồng