(NB&CL) Đấu giá là một mắt xích quan trọng trong thị trường nghệ thuật, nó đem lại nhiều lợi ích và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động đấu giá mỹ thuật cũng bộc lộ những yếu kém, bất cập, do đó cần nhanh chóng được quản lý, vận hành theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch hóa.
Người Việt “chiếm sóng” thị trường tranh trong nước
Trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của kinh tế thì nhu cầu thẩm mỹ và nghệ thuật ở Việt Nam cũng không ngừng được nâng lên. Đời sống mỹ thuật Việt Nam trở nên sôi động với sự xuất hiện của nhiều triển lãm, không gian trưng bày nghệ thuật. Các triển lãm và sự kiện mỹ thuật đã mở rộng cơ hội cho công chúng tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật, từ đó xuất hiện nhiều hơn các nhà sưu tập mỹ thuật và dần tạo nên một thị trường mỹ thuật và đấu giá mỹ thuật ở Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, từ chỗ tranh của họa sĩ Việt Nam chủ yếu bán cho người nước ngoài, thì thị trường gần đây đã chuyển dịch về khách hàng nội địa, minh chứng là trong giai đoạn 2010 – 2020, sức mua trong nước đã tăng từ 50 – 80%.
Cùng với sự lớn mạnh của thị trường, mỹ thuật Việt Nam cũng khẳng định vị trí của mình với những tác phẩm được định giá “triệu đô”. Tháng 6/2024, bất chấp thị trường đang ảm đạm, bức sơn dầu “Les Chanteuses de Campagne” (Người hát dân ca) của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã được gõ búa với mức giá 1.020.000 EUR. Gần đây nhất, hôm 12/10, tại phiên đấu “Những huyền thoại của trường mỹ thuật Đông Dương”, bức tranh lụa “Quà của mẹ” của họa sĩ Lê Phổ được nhà đấu giá Millon gõ búa ở 600.000 EUR. Tại phiên đấu giá này, bức “Jeune fille au perroquet” (Quý bà và con vẹt) của Lê Phổ cũng được bán với 315.000 EUR; bức “Les baigneuses” (Tắm) của Nguyễn Tường Lân có giá 310.000 EUR; bức “Reflet sur la rivière” (Suy ngẫm trên dòng sông) của Trần Phúc Duyên đạt mức 110.000 EUR.
Theo ông Alexandre Millon – Chủ tịch Millon, trong gần 10 năm tổ chức các phiên đấu giá về nghệ thuật Việt Nam của nhà đấu giá này, có khoảng 80% người mua là nhà sưu tập Việt Nam, trong khi người bán hầu hết là người châu Âu. Giám đốc Sotheby’s Việt Nam Ace Lê cũng cho rằng, Việt Nam đang là thị trường nghệ thuật tăng trưởng tốt nhất Đông Nam Á.
Nhận thấy thị trường nhiều tiềm năng, nhiều “ông lớn” trong làng đấu giá quốc tế đã nhanh chân mở rộng “lãnh địa” sang Việt Nam. Tháng 3/2023, nhà đấu giá Sotheby’s bổ nhiệm ông Ace Lê làm Giám đốc thị trường Việt Nam. Một năm sau, nhà đấu giá Millon cũng chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội.
Ngay sau khi vào Việt Nam, Sotheby’s đã có động thái kích cầu thị trường thông qua hai triển lãm “Hồn xưa bến lạ” và “Mộng Viễn Đông”. Đây được coi là những triển lãm lớn nhất tại Việt Nam về nghệ thuật thời kỳ Đông Dương. Công chúng xếp hàng dài vào triển lãm để được tiếp xúc với các tác phẩm có giá trị, được thẩm định và trưng bày theo đúng chuẩn quốc tế. Còn nhà Millon cũng nhanh chóng tổ chức phiên đấu giá song song ở cả hai đầu cầu Việt Nam và Pháp. Phiên đấu chuyên đề “Nghệ thuật Việt Nam” hồi tháng 4/2024 đã thu về kết quả giao dịch lên đến hơn 1,8 triệu EUR.
Cùng với sự tham gia thị trường của những “tay to” quốc tế, ở trong nước cũng xuất hiện nhiều nhà bán đấu giá chuyên nghiệp. Trong số này có thể kể đến Lý Thị, Chọn’s, Lạc Việt, PI Auction House, Le Auction House… Có thời điểm, những đơn vị này hoạt động sôi nổi khi hầu như tháng nào cũng tổ chức các buổi đấu giá tranh.
Cần tiếp cận các chuẩn mực thế giới
Tuy đã có sự phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thị trường mỹ thuật Việt Nam vẫn còn khá nhỏ bé, chưa thực sự tạo ra sự bứt phá ngoạn mục, chưa có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng của người dân. Việt Nam chưa có một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa khi các giao dịch được thực hiện một cách tự phát và manh mún. Các hình thức giao dịch chủ yếu vẫn là mua bán trực tiếp với họa sĩ, mua bán qua gallery, mua bán qua môi giới. Điều này dẫn đến hệ lụy là thị trường lộn xộn và giá tranh thì rất “tù mù”, trình trạng tranh giả không hiếm gặp và ngày càng có nhiều biến tướng tinh vi.
Trong bối cảnh ấy, sự xuất hiện của các nhà đấu giá nghệ thuật được kỳ vọng sẽ “giải tỏa” những vướng mắc, mở ra tín hiệu khởi sắc hơn cho thị trường nghệ thuật trong nước. Thế nhưng, chỉ sau một vài phiên đấu, những ồn ào đã xuất hiện, từ những nghi vấn tranh giả, người trúng đấu giá “chạy làng” sau khi trả giá cao ngất ngưởng, thậm chí có cả chuyện người thắng đấu giá mang tranh về treo nhiều tháng mà không trả tiền… Đây chính là lý do khiến các sàn đấu giá mất uy tín, không thể tổ chức đấu giá được thường xuyên hoặc phải ngừng hẳn.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng, hệ thống các nhà đấu giá là một mắt xích quan trọng trong chuỗi yếu tố làm nên thị trường mỹ thuật. Với thị trường còn rất nhiều tiềm năng, khi quy mô thị trường còn rất nhỏ bé và sơ khai như hiện nay thì việc tổ chức đấu giá tranh công khai, minh bạch sẽ củng cố niềm tin của công chúng khi tham gia vào thị trường mỹ thuật, từ đó góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật Việt Nam. Do đó, việc xây dựng một hệ sinh thái đấu giá mỹ thuật chuyên nghiệp, minh bạch sẽ là xu hướng tất yếu.
Theo ông Lê Quang, đại diện nhà đấu giá Le Auction House, sau những vấp váp ban đầu, Việt Nam rất cần có thêm những nhà đấu giá để tăng tính cạnh tranh và tạo được sự chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, ông Quang cũng thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề hiện đang nổi cộm đó là, đối với dòng tranh đương đại, do thiếu sự định giá chuyên nghiệp nên có tình trạng các họa sĩ tự đặt giá rất cao khiến các giao dịch rất khó thực hiện. Đồng thời, chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn được vấn nạn tranh giả, bởi thị trường luôn luôn “có thật có giả”. Điều quan trọng là mỗi người phải tự bảo vệ mình bằng kiến thức, bằng sự hiểu biết và tìm đến giao dịch ở những địa chỉ uy tín.
“Có thể đánh giá thị trường đang tốt lên khi có tới 75% và 88% số tranh được giao dịch trong hai phiên đấu giá trong năm 2024 của Le Auction House. Trong đó, đối tượng mua tranh chủ yếu là người Việt. Qua những cuộc đấu giá này, chúng tôi cũng mong muốn tìm ra những họa sĩ trẻ, có tiềm năng để giới thiệu ra công chúng”, ông Quang nói.
Đại diện Le Auction House nhấn mạnh thêm, bên cạnh vai trò là một kênh xác định giá trị của tác phẩm nghệ thuật một cách khách quan, minh bạch thì hoạt động đấu giá còn mở ra cánh cửa cho tranh Việt được giới thiệu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để hoạt động đấu giá mỹ thuật ở Việt Nam có được sự chuyên nghiệp, các nhà đấu giá cần nhanh chóng tiếp cận các chuẩn mực của thế giới, minh bạch thông tin tác phẩm trước khi đấu giá và xây dựng một nền tảng uy tín, đảm bảo quyền lợi của người mua tranh. Về phía cơ quan quản lý, nên đặt ra tiêu chuẩn về vốn, về trình độ đội ngũ, về quy trình tổ chức đấu giá…
Còn theo GS.TS. Nguyễn Xuân Tiên – Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, hoạt động của các gallery, các sàn đấu giá vẫn mang tính chất đơn lẻ, trong đó chưa thể hiện được vai trò của Nhà nước, cũng như thiếu các chính sách khuyến khích, định hướng phát triển. Để thị trường mỹ thuật và đấu giá mỹ thuật ở Việt Nam hoạt động ổn định và phát triển, GS.TS. Nguyễn Xuân Tiên cho rằng, cần có những giải pháp căn cơ, từ chính sách, nhân lực và học tập kinh nghiệm của thế giới.
“Tác phẩm nghệ thuật cũng là một tài sản, một hình thức đầu tư, vì vậy hoạt động đấu giá nghệ thuật cần bảo đảm đúng quy định của pháp luật và có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, từ đó góp phần xây dựng thị trường mỹ thuật nước nhà phát triển lành mạnh”, GS.TS. Nguyễn Xuân Tiên nhận định.
Khánh Ngọc
Nguồn: https://www.congluan.vn/dau-gia-my-thuat-nen-tang-van-la-su-uy-tin-minh-bach-post319239.html