Nhu cầu từ thực tế
Tháng 4.2023, một người đàn ông tại TP.HCM rao bán chiếc xe Honda SH kèm theo biển số xxx-999.99 với mức giá lên tới gần 4 tỉ đồng. Trước đó, tháng 6.2022, một nam thanh niên ở Hà Nội may mắn bốc được biển số xe máy xxx-999.99 để gắn vào chiếc Honda Super Cub, và được một số người trả giá lên tới 700 triệu đồng nhưng không bán…
Trên mạng xã hội Facebook, không khó bắt gặp các hội nhóm trao đổi, mua bán xe biển số đẹp, gồm cả ô tô và xe máy. Điển hình như “Hội Xe Biển Số Đẹp”, với hơn 33.000 thành viên. Trong nhóm này, thường xuyên xuất hiện thông tin mua, bán xe gắn biển số đẹp với giá thường gấp 2 – 3 lần, thậm chí 5 – 7 lần giá trị xe nguyên bản.
Những ví dụ trên cho thấy nhu cầu sở hữu biển số xe đẹp nói chung, biển số xe máy đẹp nói riêng, là rất lớn. Nếu việc đấu giá biển số xe máy được triển khai, quy định này sẽ thỏa mãn nguyện vọng của một bộ phận người dân không hề nhỏ.
Hà Tú (27 tuổi, ngụ TP.HCM) mua chiếc xe máy Honda Air Blade cách đây 3 tháng. Tú cho biết đây là chiếc xe đầu tiên mua mới sau thời gian dài đi làm và tích lũy, nên rất muốn sở hữu biển số theo năm sinh để gắn vào xe, nhằm giữ làm kỷ niệm. Tuy nhiên, do biển số xe máy cấp ngẫu nhiên nên mong muốn này không thể thực hiện. Nam thanh niên này cho rằng nếu đấu giá biển số xe máy với mức giá khởi điểm chỉ 5 triệu đồng, sẽ có rất nhiều người như anh tham gia đấu giá. Hơn thế, hiện nay biển số được quản lý theo mã định danh, chỉ cần đấu giá một lần thì sẽ mãi thuộc về người trúng đấu giá, dù sau này có “lên đời” xe.
Cùng chung nhận định, chủ một cửa hàng kinh doanh xe máy biển số đẹp tại Hà Nội cho rằng việc đấu giá biển số xe máy sẽ được nhiều người đón nhận. Hiện nay, với quy định biển số định danh, việc mua bán xe gắn biển số đẹp chủ yếu dưới hình thức hợp đồng ủy quyền, nếu sang tên chính chủ thì người mua sẽ mất biển số đó (biển số giữ lại cho chủ cũ). Vì thế, biển số đưa ra đấu giá có lợi hơn rất nhiều, người có nhu cầu có được “sân chơi” công khai, minh bạch, được đứng tên chính chủ chiếc xe gắn biển số mà mình yêu thích, bỏ tiền ra mua.
Hai lợi ích lớn
Chia sẻ với Thanh Niên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết ngay từ thời điểm Quốc hội thảo luận về Nghị quyết 73/2022 thí điểm đấu giá biển số ô tô, ông đã đề xuất đấu giá cả biển số xe máy. Bởi vậy, lần này “không có lý do gì” ông không ủng hộ việc mở rộng đối tượng đấu giá biển số xe. Theo lý giải của vị đại biểu, việc đấu giá biển số ô tô mang lại hai lợi ích vô cùng lớn.
Thứ nhất là lợi ích về kinh tế. Ngân sách sẽ thu về khoản tiền không hề nhỏ từ đấu giá “biển số đẹp”. Minh chứng là sau nửa năm thí điểm đấu giá biển số ô tô, những người tham gia đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Số tiền này có thể sử dụng vào mục đích an sinh xã hội, hoặc đầu tư cho công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. “Nếu không đấu giá, những biển số đó vẫn cấp, nhưng ngân sách không thu được đồng nào”, ông Hòa nói.
Thứ hai là lợi ích về xã hội. Đấu giá biển số nói chung, biển số xe máy nói riêng, vừa đáp ứng nguyện vọng của những người có nhu cầu sở hữu biển số theo sở thích cá nhân, vừa góp phần nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý, cấp biển số xe.
Ông Hòa dẫn chứng một số vụ việc tiêu cực về cấp biển số xe thời gian qua, điển hình là vụ cựu Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh An Giang và thuộc cấp lợi dụng chức vụ, can thiệp vào phần mềm để cấp sai quy định hơn 5.000 biển số xe.
“Đâu đó vẫn có người phải chung chi số tiền không hề nhỏ để có được biển số mình yêu thích, thế nhưng tiền này không vào ngân sách mà chảy vào túi của một vài cá nhân”, đại biểu Hòa nêu, đồng thời khẳng định việc đưa biển số ra đấu giá công khai sẽ triệt tiêu các mầm mống tiêu cực tương tự.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho rằng điều gì mang lại lợi ích cho nhà nước, xã hội, người dân thì nên làm. Ông ủng hộ việc đấu giá với cả biển số xe máy vì không những mang lại nguồn thu cho ngân sách mà còn ngăn chặn câu chuyện “đi đêm”.
Dù vậy, ông Thanh nhận định các cơ quan chức năng nên có sự tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 73/2022, để từ đó phân tích những gì đã làm được, những gì còn tồn tại (đường truyền dữ liệu, quy chế đấu giá, bảo mật thông tin, quy trình thực hiện…) để rút ra kinh nghiệm cũng như tìm kiếm giải pháp khắc phục. Theo ông, nếu việc thí điểm đấu giá biển số ô tô được tổng kết bài bản thì sẽ là cơ sở để áp dụng và vận hành trơn tru việc đấu giá biển số xe máy.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng Nghị quyết 73/2022 quy định việc thí điểm đấu giá biển số ô tô diễn ra trong 3 năm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nếu tổng kết thấy hiệu quả và Chính phủ có đề xuất thì Quốc hội có thể xem xét bổ sung nghị quyết để phù hợp với thực tiễn, không nhất thiết phải đợi hết 3 năm.
Nên có sự thay đổi so với biển số ô tô ?
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, do số lượng xe máy lớn hơn ô tô rất nhiều, đồng nghĩa số lượng biển số cần cấp cũng lớn hơn, việc đấu giá biển số xe máy nên có một vài thay đổi so với đấu giá biển số ô tô.
“Trước mắt, có thể thí điểm với phạm vi hẹp, sau khi đánh giá thấy khả thi thì mới nhân rộng ra toàn quốc. Việc thận trọng thí điểm sẽ giúp công tác quản lý tốt hơn, kịp thời xử lý phát sinh nếu có”, ông nói.
Nhắc lại sự cố kỹ thuật khiến phiên đấu giá biển số ô tô hồi tháng 8.2023 từng bị hoãn, một số ý kiến trong giới sưu tầm biển số đẹp cho rằng cơ quan quản lý cần lựa chọn thật kỹ đơn vị tổ chức đấu giá và một trong những điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo năng lực về hạ tầng kỹ thuật.
Cơ quan quản lý cũng nên phân loại, chỉ đưa vào danh sách đấu giá những biển số được nhiều người quan tâm (tứ quý, ngũ quý, sảnh rồng…); mỗi ngày đấu giá số lượng vừa phải, thay vì đấu giá tất cả biển số, sẽ dẫn tới quá tải. Cạnh đó, sau khi bỏ ra số tiền lớn để sở hữu biển số thông qua đấu giá, người trúng đấu giá nên được mở rộng thêm quyền (mua bán, tặng cho…), thay vì chỉ được mua bán một lần như quy định hiện nay đối với đấu giá biển số ô tô.
Trong khi đó, luật sư Hà Công Tâm, Công ty luật Onekey & Partners, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho rằng sẽ rất khó để đưa ra khái niệm biển số đẹp hoặc phân loại biển số nào đưa ra đấu giá, biển số nào không đưa. Lý do, đẹp hay xấu, đẹp nhiều hay đẹp ít tùy thuộc vào quan điểm của từng người; cùng biển số đó người này cho là đẹp nhưng người khác lại không ưng.
Vì thế, trong trường hợp triển khai đấu giá biển số xe, luật sư kiến nghị đưa tất cả biển số lên sàn đấu giá, đồng thời phải đảm bảo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thật tốt, tránh tình trạng quá tải, ảnh hưởng tới quá trình đấu giá. Giống như việc đấu giá biển số ô tô hiện nay, mức giá biển số xe máy cao hay thấp sẽ do người đấu giá quyết định. Biển số nào đấu giá không thành hoặc không ai đấu giá sẽ đưa trở lại kho biển số để cấp ngẫu nhiên.
Vẫn theo vị luật sư, do việc đấu giá diễn ra trực tuyến, ngoài chất lượng đường truyền, yếu tố bảo mật và an toàn thông tin cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cơ quan quản lý cần giám sát chặt sẽ, kiểm soát từng cuộc đấu giá, tương tự các phiên đấu giá biển số ô tô đã diễn ra.
Bộ Công an cho biết thực hiện việc thí điểm đấu giá biển số ô tô, từ ngày 15.9.2023 đến hết tháng 2.2024, đã có 15.185 biển số ô tô được đấu giá thành công, trong đó 14.062 biển số đã được khách hàng nộp tiền, tổng cộng gần 1.400 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Công an, việc đấu giá biển số ô tô đáp ứng được nhu cầu của người dân, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời khai thác tài sản công có hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.