Hóa đơn bị loại khi đối tác dừng kinh doanh
Chị Thanh Nhàn (kế toán một công ty cung cấp linh kiện điện tử tại TP.HCM) lo lắng không biết số tiền xin hoàn thuế của công ty lên cơ quan thuế có giải quyết nhanh không bởi doanh nghiệp (DN) đã quá đuối vốn hoạt động. Số vốn của công ty hiện nay chỉ 2 tỉ đồng mà tiền hoàn thuế chưa được giải quyết lên hơn 1 tỉ đồng. Dù có muốn vay tiền ngân hàng làm ăn thời điểm này thì tình hình tài chính của công ty cũng không cho phép.
Chị Thanh Nhàn kể công ty bán linh kiện điện tử cho các DN trong khu chế xuất thuế suất 0%, theo quy định thì công ty được hoàn lại tiền thuế GTGT 10%. Trước đây, mỗi năm, công ty thực hiện hoàn thuế 2 lần theo phương thức hoàn trước kiểm sau nên việc hoàn thuế rất nhanh. Thế nhưng mấy năm nay, cơ quan thuế thực hiện kiểm trước hoàn sau nên phần xác minh hóa đơn không những đối với DN bán hàng trực tiếp cho DN mà cả những hóa đơn của các DN F2, F3…
Việc xác minh hóa đơn này không thể nhanh, có cơ quan thuế phản hồi, có đơn vị không. Có nhiều hóa đơn thuộc DN đã tạm ngừng hoạt động khi tình hình kinh doanh khó khăn hồi tháng 3.2023 (sau thời điểm xuất hóa đơn cho công ty chị Thanh Nhàn) cũng bị cơ quan thuế loại ra, không công nhận.
“Số tiền thuế của mấy hóa đơn này vài chục triệu đồng nên công ty cũng đành phải chịu. Thế nhưng vì mấy hóa đơn của các DN tạm ngưng hoạt động mà toàn bộ số thuế xin hoàn của công ty lên tới 1 tỉ đồng không được giải quyết mới là điều quan trọng”, chị Nhàn bức xúc.
Ðại diện một DN xuất khẩu nhựa tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho hay câu chuyện không được hoàn thuế GTGT tại TP.HCM hiện khá nhiều. Bản thân công ty ông khi mua bán có giao dịch với nhiều DN, đối tác ở các tỉnh thành khác nhau. Ðây là chuyện rất bình thường thế nhưng cũng vì thế, hồ sơ xin hoàn thuế trong năm 2022 của đơn vị ông bị “ách” lại do cơ quan thuế yêu cầu phải chờ xác minh giao dịch kê khai với một đơn vị ở vùng ÐBSCL từ quý 3/2019. Ðến năm 2022, khi cơ quan thuế xác minh thì đơn vị này tạm ngừng kinh doanh.
Ðồng thời cơ quan thuế địa phương nơi bán hàng khi được nhờ xác minh mới phát hiện DN tại địa phương kê khai thiếu hóa đơn bán hàng và chưa đóng thuế. Vị này bức xúc rằng DN khi giao dịch đều có hợp đồng với bên bán theo giấy phép kinh doanh, thanh toán qua ngân hàng và có hóa đơn tài chính kê khai thuế GTGT đầy đủ. Vì vậy vi phạm của đối tác tại địa phương hay bị tạm ngừng hoạt động là ngoài tầm kiểm soát của DN.
Nhất là giao dịch 3 năm trước so với thời điểm cơ quan thuế kiểm tra thì sẽ không công bằng khi cơ quan thuế bắt những DN như công ty ông phải chịu trách nhiệm về rủi ro này. Ðó là chưa kể tình trạng sau đại dịch Covid-19, nhiều DN rơi vào cảnh khó khăn và xin tạm ngừng kinh doanh cũng khá nhiều. Không lẽ cứ DN có hợp đồng mua bán, hóa đơn với đối tác ở tình trạng này là phải bị liên đới chịu trách nhiệm? Trong khi ngành thuế có đầy đủ hồ sơ có thể kiểm tra được vào thời điểm công ty phát sinh giao dịch vài năm trước đó thì đối tác vẫn hoạt động bình thường.
Khốn khổ chờ kiểm tra người mua hàng nước ngoài
Trong năm 2022, Hiệp hội Sắn VN và các DN đã liên tục kiến nghị và gửi công văn đến Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh vấn đề không được hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng tinh bột sắn. Theo thông tin từ hiệp hội, đến nay vẫn còn nhiều DN chưa được hoàn thuế vì cơ quan thuế mỗi nơi hiểu mỗi khác. Vướng mắc của DN ngành sắn là từ khi Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 632 ngày 7.3.2022 về việc hoàn thuế GTGT với mặt hàng tinh bột sắn. Theo đó Tổng cục Thuế chỉ đạo nội bộ các cơ quan thuế thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý hoàn thuế. Trong đó yêu cầu các cục thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các DN trên địa bàn có kê khai phát sinh giao dịch mua bán với các DN, tổ chức từ Trung Quốc, dẫn đến dừng hoàn tiền thuế GTGT của DN xuất khẩu sắn.
Kế toán của một công ty cung cấp linh kiện điện tử tại TP.HCM
Theo Hiệp hội Sắn VN, hồ sơ được hoàn thuế GTGT xuất khẩu nông sản chỉ gồm giấy đề nghị hoàn thuế; hợp đồng mua bán, gia công; tờ khai hải quan; chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Pháp luật hiện hành về hoàn thuế GTGT không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn. Ðồng thời, DN xuất khẩu cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng. Việc xác minh tư cách pháp lý người mua hàng của nước nhập khẩu là ngoài khả năng của DN. Vì thế, DN không thể xác minh đối tác đó còn tồn tại hay không. Trong khi Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu sắn lớn của VN, chiếm tới 93%. Nghĩa là hầu hết các DN ngành này đều đã đang và đứng trước nguy cơ bị “treo” tiền thuế.
Trong thời gian qua, nhiều vụ việc gian lận tiền hoàn thuế GTGT bị phát hiện. Những vụ gian lận thuộc nhóm ngành nào thì y như rằng DN trong lĩnh vực ngành đó sẽ bị “siết”. Chẳng hạn, trong năm 2021, một số DN có hàng hóa nhập khẩu (linh kiện điện tử, máy tính) có mẫu mã và đặc tính kỹ thuật giống nhau khi nhập khẩu các DN khai báo giá trị rất thấp nhưng khi xuất khẩu thì một số DN khác lại khai báo giá trị rất cao. Hay mỗi lô hàng xuất khẩu có trọng lượng chỉ vài kilogram đến vài chục kilogram nhưng trị giá khai báo lên đến vài tỉ đồng hoặc vài chục tỉ đồng. Việc này dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về việc mua bán hóa đơn, kê khống GTGT trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.
Chính vì vậy, Tổng cục Thuế có công văn yêu cầu các cơ quan thuế địa phương rà soát các DN kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản… để thực hiện thanh tra, kiểm tra theo hướng dẫn. Khi thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế GTGT cần thực hiện đối chiếu hồ sơ thực tế, bản chất các giao dịch và so sánh với các quy định của pháp luật về thuế…
Tình trạng con sâu làm rầu nồi canh đang khiến cho nhiều DN “vạ lây”, bị giam hàng ngàn tỉ tiền thuế GTGT chưa biết đến khi nào mới được hoàn lại.
Ngành sắn đang phải đối diện nhiều khó khăn do dịch Covid-19 tác động hơn 2 năm qua. Số lượng hàng tồn kho lớn, nhiều DN không còn tiền để mua nguyên liệu, buộc phải dừng sản xuất… Nếu vướng mắc hoàn thuế GTGT không được giải quyết kịp thời sẽ dẫn tới sự sụp đổ của chuỗi sản xuất, cây trồng tỉ đô và tác động tới các ngành khác có xuất khẩu biên giới tương tự như ngành sắn.
Hiệp hội Sắn VN