Bên lề diễn đàn quốc tế Tuần lễ năng lượng Nga, Bộ trưởng Năng lượng các nước BRICS, hiện bao gồm một số nhà sản xuất và cung cấp dầu mỏ lớn nhất thế giới, gặp nhau ở thủ đô Moscow vào ngày 26/9 để thảo luận về thị trường năng lượng. Đây là lần thứ 3 các quan chức phụ trách mảng này của BRICS gặp nhau.
Kể từ khi mở rộng để bao gồm các thành viên OPEC là Iran và UAE vào đầu năm nay, BRICS đã tăng đáng kể “dấu chân năng lượng” của mình. “Ông trùm” OPEC Ả Rập Xê-út cũng được mời tham gia nhưng vẫn chưa xác nhận tư cách thành viên.
Theo đó, xét trong phạm vi lĩnh vực dầu mỏ, nhóm do Nga và Trung Quốc dẫn dắt hiện chiếm 41% sản lượng toàn cầu và 35% lượng tiêu thụ toàn cầu, nếu tính cả khối lượng của Ả Rập Xê-út.
Lĩnh vực tăng trưởng tiềm năng
Các nhà phân tích coi việc “phi USD hóa” thương mại, bao gồm cả dầu mỏ, là một lĩnh vực tăng trưởng tiềm năng để hợp tác trong nhóm. Một số quốc gia thành viên đã xác định đây là ưu tiên chiến lược, nhưng giao dịch dầu thô không phải bằng đồng USD cũng phải đối mặt với các rào cản, bao gồm việc lựa chọn loại tiền tệ thay thế nào, các vấn đề liên quan đến khả năng chuyển đổi tiền tệ và khả năng chịu tác động của biến động tỉ giá hối đoái.
“Một vấn đề chính sách thống nhất 9 thành viên hiện tại của BRICS và 40 thành viên tiềm năng của nhóm này… là mong muốn chung về việc thoát khỏi sự thống trị của đồng USD”, ông David Lubin, nghiên cứu viên cao cấp tại Chương trình Kinh tế và Tài chính Toàn cầu tại Chatham House, cho biết.
Các nhà phân tích cho rằng, các lĩnh vực hợp tác thương mại khác trong nhóm này trở nên phức tạp do sự khác biệt đáng kể trong nền kinh tế của các quốc gia thành viên và các quan hệ đối tác quốc tế hiện có.
Một lĩnh vực tăng trưởng thương mại không phải bằng đồng USD tiềm năng là xuất khẩu dầu từ Ả Rập Xê-út sang Trung Quốc, vốn đã tăng vọt trong những năm gần đây.
“Tiềm năng cho nhiều giao dịch dầu mỏ bằng đồng Nhân dân tệ (RMB) hơn phụ thuộc vào thiện chí chấp nhận đồng tiền này để thanh toán của các nhà xuất khẩu dầu – trong khi điều này phụ thuộc vào khả năng sử dụng số tiền thu được”, ông Charles Chang, Trưởng nhóm doanh nghiệp tại S&P Global Ratings khu vực Trung Quốc mở rộng, cho biết.
Giao dịch không phải bằng đồng USD đối với các sản phẩm dầu mỏ có thể phát triển nhanh hơn dầu thô.
“Câu hỏi đặt ra là liệu dầu thô có phải là một mặt hàng có khối lượng lớn, thanh khoản đến mức khó có thể tăng dần hay không. Những gì chúng ta thấy cho đến nay dường như là phi USD hóa diễn ra trước với các sản phẩm không phải dầu thô so với các sản phẩm dầu thô”, ông Chang cho biết.
Thành viên mới của BRICS là UAE cũng đang cân nhắc tăng cường giao dịch phi USD, và gần đây đã ký biên bản ghi nhớ với các thành viên BRICS khác là Ấn Độ và Ethiopia để tìm hiểu về giao dịch bằng tiền tệ địa phương.
“Tôi không thấy các loại tiền tệ của các nền kinh tế nhỏ hơn như đồng Dirham (đồng tiền của UAE) có thể đạt được quy mô toàn cầu theo thời gian vì khối lượng giao dịch thực sự không ở đó, đó là nơi mà đồng Nhân dân tệ có nhiều tiềm năng hơn”, ông Chang cho biết.
Triển vọng gia tăng “dấu chân năng lượng”
Đối với Nga, tầm quan trọng của việc giảm tiếp xúc với đồng USD đã tăng lên kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022 kéo theo các lệnh trừng phạt của phương Tây. Gã khổng lồ Á-Âu đã chuẩn bị cho kịch bản bị loại khỏi các thị trường tài chính phương Tây và đồng USD kể từ năm 2014 sau việc sáp nhập Crimea.
Các thành viên BRICS khác là Ấn Độ và Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực của Moscow nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Nga, với việc xuất khẩu dầu thô sang 2 nước này đã làm giảm bớt tác động của sự sụt giảm lớn về nguồn cung sang châu Âu.
Theo S&P Global Commodities at Sea, lượng dầu thô xuất khẩu của Nga sang Ấn Độ đã lên tới 2,1 triệu thùng/ngày kể từ khi chiến sự bắt đầu. Tuy nhiên, các vấn đề về tiền tệ đã làm gián đoạn các luồng này – cho thấy những thách thức của hoạt động thương mại phi USD hóa.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ưu tiên tăng cường ảnh hưởng của BRICS cũng như các giải pháp thay thế khác cho các thể chế phương Tây. Nga giữ chức Chủ tịch luân phiên BRICS trong năm 2024 và đang hướng tới việc mở rộng hơn nữa nhóm này khi các nhà lãnh đạo tề tựu tại thành phố Kazan của Nga vào ngày 22-24/10.
“Trong các cuộc đàm phán, cần phải thống nhất các nguyên tắc chung cho các quốc gia của chúng ta về quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và vạch ra các cách thức tăng cường vai trò của BRICS trong đối thoại năng lượng toàn cầu”, ông Putin cho biết hôm 23/9 trong bài phát biểu trước các khách mời dự diễn đàn quốc tế Tuần lễ năng lượng Nga.
Trước đó, hôm 12/9, Tổng thống Nga cho biết 34 quốc gia đang cân nhắc một số hình thức hợp tác với BRICS. Các quan chức từ Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập nhóm, điều này sẽ càng làm tăng thêm “dấu chân năng lượng” của BRICS.
Thổ Nhĩ Kỳ là một kênh quan trọng cho các luồng dầu khí giữa Nga với phần còn lại của châu Âu, Trung Á và Trung Đông. Ankara đã cân bằng mối quan hệ với Moscow và phương Tây kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, theo đó chứng kiến tầm quan trọng của mình trong hoạt động thương mại năng lượng toàn cầu gia tăng.
Trong khi đó, Venezuela là nước nắm giữ trữ lượng dầu lớn nhất thế giới và đã hợp tác với Nga thông qua OPEC+. Ngành dầu khí của Caracas đang chịu vô số lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tóm lại, việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela vào nhóm sẽ làm tăng quyền kiểm soát chung của BRICS đối với thị trường năng lượng toàn cầu, nhưng các ưu tiên khác nhau của các quốc gia thành viên và những thách thức đối với việc phi USD hóa thương mại sẽ tiếp tục cản trở những nỗ lực thúc đẩy hợp tác và ảnh hưởng trên toàn nhóm.
Minh Đức (Theo S&P Global, Sputnik)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dau-chan-nang-luong-cua-brics-dang-ngay-cang-tang-them-204240926203827584.htm