Chad Kubanoff (37 tuổi) là một đầu bếp người Mỹ, hiện sinh sống tại TP.HCM. Anh cũng sở hữu tài khoản mạng xã hội với hơn 26 triệu lượt theo dõi và thường xuyên đăng tải các video nấu ăn, trải nghiệm ẩm thực đường phố tại Việt Nam, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem.

Chad Kubanoff tiết lộ rất thích bánh mì Việt với phần vỏ mỏng, giòn rụm và phần nhân có thể biến tấu theo cả trăm loại hương vị khác nhau.

Gần đây nhất, vị đầu bếp người Mỹ còn thực hiện một thử thách nhỏ là nếm thử nhiều phiên bản bánh mì ở Việt Nam và đánh giá đâu là loại ngon nhất. Anh đưa ra một bảng xếp hạng gồm 6 mức: S, A, B, C, D, F. Trong đó, mức S (tạm dịch: Special, Super) là vị trí cao nhất.

Theo đó, Chad đã đi khắp các quận ở TP.HCM và thưởng thức nhiều loại bánh mì như bánh mì bò kho, bánh mì kem trứng, bánh mì chả cá, bánh mì sườn nướng, bánh mì bò lá lốt, bánh mì gà xé, bánh mì heo quay,…

Các loại bánh mì được biến tấu với phần nhân đa dạng, từ mặn đến ngọt, ăn kèm đủ thứ cầu kỳ gồm nước sốt, rau dưa. Chad nhận xét rất thích bánh mì chấm sữa đặc, tuy đơn giản nhưng hương vị ngọt ngào, dễ gây “nghiện”. Anh cũng dành nhiều lời khen cho bánh mì da heo giòn giòn hay bánh mì bò lá lốt đậm đà,…

Tuy nhiên, theo đánh giá của vị đầu bếp 37 tuổi, bánh mì cay – một đặc sản nổi tiếng ở thành phố Hải Phòng là món gây ấn tượng nhất, xứng đáng xếp ở mức cao nhất – hạng S vì “ngon khó cưỡng”.

Để thưởng thức món ăn này, Chad tìm đến một cửa hàng bánh mì cay nằm trên đường Nguyễn Cư Trinh (Q1, TP.HCM). Anh tỏ ra thích thú khi được cô bạn người Việt tên là Layla giới thiệu về món bánh mì quen thuộc của người Hải Phòng.

Bánh mì cay (hay còn gọi là bánh mì que) có kích thước nhỏ khoảng hai đầu ngón tay, dài chừng một gang tay với phần nhân chỉ có pate béo ngậy, không kèm theo nước sốt hay rau dưa như các loại bánh mì truyền thống khác.

banh mi cay 1.gif
Dù được làm từ những nguyên liệu thông thường như thịt lợn, gan, muối, tiêu,… nhưng qua quá trình nêm nếm gia vị khéo léo và chế biến theo công thức gia truyền, phần pate của bánh mì cay trở nên đậm đà, béo ngậy, thơm nức mũi hơn (Ảnh cắt từ clip).

Ngoài ra, còn một thứ góp phần tạo nên hương vị đặc trưng của món bánh mì nức tiếng này chính là chí chương – một loại tương ớt đặc biệt của người Hải Phòng có độ đặc sánh nhẹ, màu đỏ tươi hoặc đỏ cam.

Chí chương không thuần vị cay như tương ớt bình thường mà hơi chua dịu, đậm vị và dậy mùi thơm. Khi ăn, thực khách chấm nhẹ bánh mì cay vào chí chương thay vì rưới lên như nước sốt hay tương ớt truyền thống.

Sau khi mua vài chiếc bánh mì cay và thưởng thức, Chad nhận xét: “Bánh mì cay có độ béo và đậm đà, hơi dầu mỡ một chút vì có pate và chí chương bên trong. Tuy nhiên, hương vị thực sự hấp dẫn khiến tôi rất thích”.

banh mi cay.gif
Đầu bếp người Mỹ và cô bạn người Việt thưởng thức bánh mì cay ở một cửa hàng chuyên phục vụ món bánh mì và pate đặc sản Hải Phòng trên đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM (Ảnh cắt từ clip)

Vị đầu bếp người Mỹ đánh giá, nếu để xếp hạng, bánh mì cay xứng đáng đứng đầu danh sách về độ ngon của các loại bánh mì ở Việt Nam. Chưa kể, loại bánh mì này còn nhỏ gọn, bảo quản được lâu và phù hợp với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Layla cũng đồng ý với quan điểm này. Cô cho rằng món bánh mì quen thuộc của người Hải Phòng xứng đáng “đứng đầu bảng xếp hạng” bởi ăn rất đưa miệng và dễ ăn.

Chia sẻ với PV VietNamNet, chị Mai Thị Ngọc Lan – chủ cửa hàng bánh mì cay mà Chad và Layla ghé thăm cho biết rất vui khi đặc sản nổi tiếng của thành phố Cảng được du khách nước ngoài yêu thích.

Chị Lan cho hay, nhờ phần pate béo ngậy và chí chương được chế biến theo công thức riêng, vận chuyển cẩn thận từ Hải Phòng tới TP.HCM mà món bánh mì cay của quán chị được nhiều thực khách biết đến và tìm thưởng thức.

Được biết, quán mới hoạt động được gần 1 năm nhưng đã trở thành địa chỉ ăn uống yêu thích của nhiều du khách. Trung bình quán bán khoảng 1.000 chiếc mỗi ngày, chủ yếu phục vụ khách mua mang đi.

Quán mở cửa từ 6 – 21h hàng ngày. Giá bánh mì ở đây dao động từ 7.000 – 25.000 đồng/chiếc (tùy loại).

Phan Đậu