Tại buổi gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, em Lê Nguyễn Mai Phương (học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lam Sơn) đã có những chia sẻ rất xúc động khi được đại diện cho thế hệ trẻ tỉnh Thanh Hóa phát biểu trước toàn thể gần 900 đại biểu.
Mai Phương cho biết, ngay từ nhỏ, đã được phụ huynh kể về chiến thắng Điện Biên Phủ qua những câu thơ và cho đến giờ em vẫn còn nhớ:
Bố kể chuyện Điện Biên
Bộ đội mình chiến thắng
Lũ Tây bị bắt sống
Ta giải đi từng đàn
Tướng Đờ Cát ra hàng
Bốt đồn đều san phẳng
Cờ quyết chiến, quyết thắng
Tung bay trên nóc hầm
Chiều mùng bảy tháng năm
Một chiều hè lịch sử.
Lớn dần lên, qua những bài học và trang sách, qua những khúc ca và thước phim tư liệu, qua những câu chuyện được nghe từ các ông, các bà, Mai Phương càng thêm hiểu thêm rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là ‘một thiên sử vàng’ của dân tộc. Đó là chiến thắng của tinh thần yêu nước, của sự nghiệp giải phóng dân tộc và tinh thần quyết chiến quyết thắng, can trường vượt qua mọi khó khăn, thử thách của dân tộc Việt Nam.
’70 năm đã trôi nhưng tinh thần Điện Biên vẫn sống mãi, trường tồn cùng sông núi, vang âm hào hùng trong tâm thức con người Việt Nam hôm nay. Được tham dự chương trình gặp mặt, tri ân những ‘nhân chứng sống’ của chiến thắng Điện Biên Phủ, em thấy đây là trải nghiệm rất đỗi thiêng liêng và tự hào’, Mai Phương nói.
Dẫn chứng câu chuyện về cụ Trịnh Đình Bầm ở Yên Định đã cáo lỗi với tổ tiên, tháo dỡ bàn thờ để hoàn thành phần bánh xe, nâng tải trọng xe cút kít từ 100kg lên 280kg; về sự đóng góp của xứ Thanh khi toàn tỉnh đã huy động gần 179 nghìn lượt người tham gia dân công hỏa tuyến với 27 triệu ngày công, 11.000 xe đạp thồ, 1.126 chiếc thuyền… vận tải cho chiến dịch. Cùng với đó, tỉnh đã cung cấp hơn 4.300 tấn gạo, chiếm 30% số gạo phục vụ chiến dịch và các nhu yếu phẩm, chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong chiến dịch.
Với những luận điểm trên, Mai Phương khẳng định xứ Thanh đã huy động mọi sức người, sức của, dốc bồ, đổ thúng cung cấp cho tiền tuyến đến hạt thóc cuối cùng.
‘Khi nghe lại những lời ngợi khen mà Bác Hồ dành tặng cho quê hương, em rất đỗi tự hào vì bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó’, Mai Phương nói.
Tiếp bước các thế hệ cha anh đi trước, Mai Phương hứa sẽ nỗ lực hoàn thiện bản thân, sống cống hiến để xứng đáng với sự hy sinh, công lao to lớn của những anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống bảo vệ nền độc lập cho dân tộc. Cùng với đó, là tiếp nối nối truyền thống của quê hương Thanh Hóa anh hùng.
Bạn Hà Minh Anh (trú TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Được tham gia buổi gặp gỡ, tri ân và nghe những câu chuyện của những người lính Điện Biên năm nào khiến bạn rất xúc động và tự hào.
‘Là một Đảng viên trẻ, mình luôn trân trọng và gìn giữ những giá trị lịch sử, nhất là những chiến dịch mang tầm quốc tế như chiến thắng tại Điện Biên Phủ. Buổi gặp gỡ hôm nay thật sự ý nghĩa vì có thể 5, 10 năm nữa, các ông, các cụ – những người lính Điện Biên năm xưa sẽ không còn. Vì vậy, trong hôm nay, mình đã cố tích lũy rất nhiều tư liệu sống từ câu chuyện của các ông. Từ đó, sẽ giúp mình có thêm nhiều nguồn kiến thức đa dạng để sau này kể lại, giáo dục các thế hệ phía sau’, Minh Anh nói.