Bền bỉ theo thời gian, nhiều tác phẩm sách khoa học xã hội, triết học, lý luận… đã được các nhà xuất bản đưa đến với người đọc trong nhiều năm qua. Và trong số đó, những tác phẩm mang dấu ấn văn hóa Pháp không phải là ít.
Những cuốn sách tri thức Pháp đã được xuất bản tại Việt Nam. |
Một trong những đơn vị chú trọng vào dòng sách này là Nhà xuất bản Tri thức, với dòng sách vốn không phổ biến, kén bạn đọc và phát hành ít, nhưng lại là dòng sách đặc trưng và quan trọng.
Trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu 2023, dòng sách khoa học xã hội và nhân văn đã được các diễn giả, nhà nghiên cứu đề cập đến, với thí dụ tiêu biểu là Tủ sách tinh hoa của Nhà xuất bản Tri thức.
Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức Phạm Thị Bích Hồng cho biết: “Gần 20 năm qua, Nhà xuất bản Tri thức đã xuất bản gần 50 cuốn sách của các tác giả người Pháp.
Nhà xuất bản Tri thức luôn dành tình cảm lớn trong việc thể hiện văn hóa và dấu ấn của văn hóa Pháp, và mong muốn được truyền tải đến Việt Nam trong thời gian qua và thời gian tới”.
Mục tiêu quan trọng của Nhà xuất bản là xuất bản được 500 cuốn trong Tủ sách Tinh hoa, và sẽ làm dần dần.
PGS, TS, Phùng Ngọc Kiên, chuyên gia nghiên cứu về văn học Pháp cho biết, văn hóa Pháp có dấu ấn quan trọng đối với văn học Việt Nam, nhiều cuốn sách nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc, được tái bản nhiều lần.
“Ban đầu tôi nghĩ rằng bạn đọc trẻ không quan tâm nhiều đến triết học, chính trị, tâm lý… nhưng sau đó tôi đã phải nghĩ lại. Con số xuất bản đó đã mang lại sức sống rất lớn cho Tủ sách Tinh hoa” – PGS, TS, Phùng Ngọc Kiên chia sẻ. Anh cũng đưa ra nhận xét rằng, Tủ sách Tinh hoa mang lại cái nhìn tập trung và đa chiều về khoa học xã hội, về văn học.
TS, dịch giả Nguyễn Giáng Hương nhận xét rằng, trong mảng sách lý luận văn học, triết học, các tác giả mà Nhà xuất bản Tri thức lựa chọn rất đặc biệt, đều là các nhà tư tưởng lớn của Khoa học xã hội Pháp và cả của phương Tây.
“Có thể kể đến tác giả tiêu biểu là Jean-Jacques Rousseau, một nhà triết học thuộc trường phái khai sáng, có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp năm 1789. Ông cũng viết và đóng góp quan trọng cho trào lưu lãng mạn của văn học Pháp. Tác phẩm của Rousseau được đọc và nghiên cứu rộng rãi bởi chính cái nhìn sâu sắc về con người” – Tiến sĩ Nguyễn Giáng Hương dẫn chứng.
“Tác phẩm “Những lời bộc bạch” đã mở đầu cho phong trào viết hồi ký hiện đại, tác động nhiều tới xu hướng này ở Việt Nam. Ngoài ra còn có các nhà tư tưởng như Marcel Mauss (cố GS, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên từng là học trò của ông), Émile Durkheim, Denis Diderot… Các nhà triết học, nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu nổi tiếng này đều có tầm ảnh hưởng lớn đối với các ngành Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn trên thế giới” – Tiến sĩ Nguyễn Giáng Hương nói.
“Chính vì thế, các tác phẩm của Nhà xuất bản Tri thức xứng đáng nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, sinh viên, nhà nghiên cứu. Các tác phẩm giúp người đọc mở rộng cách nhìn về thế giới, hoàn thiện nhân sinh quan” Tiến sĩ Nguyễn Giáng Hương nhận xét.
Là một nhà nghiên cứu, nhưng luôn đón chờ các tác phẩm của Tri thức, đặc biệt là Tủ sách Tinh hoa với vai trò một bạn đọc, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn, giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội ví von, các dịch giả cho dòng sách khoa học xã hội này đã làm công việc “dời non lấp bể” để mang được tri thức của thế giới đến với bạn đọc Việt Nam.
Chính vì thế, anh luôn có cảm giác háo hức, tò mò khi được biết những cuốn sách nào chuẩn bị được xuất bản, bởi vì tên tuổi của các tác giả này đã được nhắc đến trong lịch sử nghiên cứu văn học.
Tiến sĩ Mai Anh Tuấn cũng cho biết, những cuốn sách thuộc dòng sách này thường thu hút được sự chú ý của giới chuyên môn, nghiên cứu. Tuy nhiên, đối với bạn đọc nói chung, kể cả với sinh viên, vẫn còn có cảm giác e dè, ngại ngần. Có những cuốn sách khi đọc là phải vượt qua chính mình. Có những cuốn khi đọc lại đòi hỏi phải có sự theo dõi, cập nhật tri thức rất lớn. Sách tri thức của Pháp khi xuất bản tại Việt Nam làm cho những nỗ lực đọc sách của chúng ta phải cao hơn một chút” – Tiến sĩ Mai Anh Tuấn nhận xét.
Đề cập đến những dấu ấn của văn hóa Pháp trên các tác phẩm xuất bản tại Việt Nam, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn khẳng định, khi đọc sách của các học giả Pháp, có thể soi rọi văn hóa Pháp thời kỳ đó với những tri thức của thế kỷ 19, 20. Tủ sách tri thức Pháp gây hứng thú cho các độc giả yêu thích nghiên cứu và mở rộng sự đọc hơn.
“Sách tri thức Pháp làm chúng tôi phải mở rộng biên giới đọc của mình, chứ không còn chỉ đọc sách văn hóa nữa. Nhà nghiên cứu không còn ở trong ốc đảo của mình nữa. Sách tri thức đem lại cảm hứng đọc cho người đọc mặc dù đây là dòng sách khó đọc và cũng không ăn khách” Tiến sĩ Mai Anh Tuấn nhận xét.
Những tác phẩm nghiên cứu văn học, xã hội học nhân văn bằng tiếng Pháp đã được Nxb Tri thức xuất bản tại Việt Nam trong những năm qua: Những lời bộc bạch (Tác giả: Jean – Jacques Rousseau, Dịch giả: Lê Hồng Sâm), Cháu ông Rameau (Tác giả: Denis Diderot, Dịch giả: Phùng Văn Tửu), Quy tắc của nghệ thuật (Tác giả: Pierre Bourdieu, Dịch giả: Phùng Ngọc Kiên, Nguyễn Phương Ngọc)…
Nhandan.vn