Sự bứt phá này là minh chứng cho sự đồng lòng quyết tâm của thầy, trò toàn ngành và cả hệ thống chính trị. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương về giải pháp và kinh nghiệm cho mùa thi sau.
Những mảng màu sáng
– Ông có thể đánh giá sơ bộ về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh thành phố?
– Năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp chung của toàn thành phố đạt 99,56%, trong đó khối giáo dục trung học đạt 99,75% và khối giáo dục thường xuyên đạt 98,3%. Như vậy, thành phố Hà Nội có sự bứt phá tới 11 bậc, từ vị trí thứ 27 ở năm trước lên vị trí thứ 16 trong kỳ thi năm nay. Nếu như năm trước toàn thành phố có 104 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%, thì năm nay có 154 trường. Với gần 105.000 thí sinh, chiếm hơn 1/10 trong tổng số thí sinh cả nước, lại là địa phương có nhiều thí sinh tự do, kết quả này cho thấy sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục phổ thông.
– Ông có thể nêu rõ hơn về những mảng màu sáng trong kết quả thi tốt nghiệp của học sinh Hà Nội so với cả nước?
– Không chỉ cải thiện rõ về thứ hạng so với năm 2022, số bài thi đạt điểm tuyệt đối của học sinh thành phố năm nay cũng tăng mạnh. Toàn thành phố có 1.232 bài thi đạt điểm 10, tăng gấp 3,35 lần so với năm trước. Đáng chú ý là các bài thi đạt điểm 10 xuất hiện ở nhiều môn, trong đó môn giáo dục công dân có số bài thi đạt điểm 10 nhiều nhất với 1.025 bài; tiếp đến là môn ngoại ngữ với 106 bài; môn lịch sử có 55 điểm 10; môn hóa học có 16 điểm 10; môn sinh học có 12 điểm 10; môn vật lý có 11 điểm 10; môn địa lý có 4 điểm 10; môn toán có 3 điểm 10… Đặc biệt, cả nước có 12 bài thi đạt điểm 10 môn toán thì học sinh Hà Nội có 3 bài.
Thêm nữa, số bài thi đạt điểm trung bình (5,0 điểm) trở lên trong kỳ thi năm nay chiếm tới hơn 83%. Số bài thi đạt từ 8,0 trở lên là 109.604 bài (chiếm 19,14%). Số bài thi đạt từ 9,0 điểm trở lên là 40.978 bài (chiếm 7,16%)…
Từng môn thi cũng có những mảng màu sáng. Đơn cử như môn ngoại ngữ có điểm trung bình là 6,2 (nếu không tính thí sinh tự do thì điểm trung bình ngoại ngữ là 6,34), đứng thứ ba cả nước. Một số môn học khác cũng cải thiện rõ về thứ hạng như môn toán có điểm trung bình là 6,61 (đứng thứ 12), môn vật lý có điểm trung bình là 6,81 (đứng thứ 14)…
– Với nhiều khó khăn hơn so với học sinh trung học phổ thông, kết quả tốt nghiệp của học viên giáo dục thường xuyên thế nào, thưa ông?
– Năm học 2022-2023, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc dạy học ở các nhà trường, trong đó có các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên gặp rất nhiều khó khăn. Khẳng định tinh thần vượt khó, các trung tâm đã có nhiều giải pháp hỗ trợ học viên, thể hiện ở tỷ lệ tốt nghiệp 98,3% – cao nhất trong ba năm gần đây (năm 2022 là 96,4%, năm 2021 là 94,3%)…, trong đó có hai đơn vị đỗ 100%. Năm nay, đơn vị có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất là 95,1%, trong khi năm ngoái có nhiều đơn vị đạt 90%. Điều này thể hiện hiệu quả dạy học ở các trung tâm đều tiến bộ và đồng đều hơn.
Nhiều kinh nghiệm quý
– Ông có thể chia sẻ về những giải pháp mà ngành Giáo dục đã triển khai giúp Hà Nội có sự cải thiện vượt bậc về thứ hạng tốt nghiệp trung học phổ thông?
– Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo không xếp hạng kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông của các tỉnh, thành phố, song sự bứt phá về kết quả tốt nghiệp năm nay của Hà Nội là minh chứng cho thấy hiệu quả từ những giải pháp đã triển khai. Điều tiên quyết là sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, từng nhà trường, từng nhà giáo và sự đồng hành trách nhiệm của phụ huynh học sinh, cùng một mong muốn là tạo thuận lợi cho học sinh dù ở địa bàn nào cũng được học tập với các điều kiện tốt nhất.
Bên cạnh đó, cũng cần ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của từng học sinh. Các em là lứa học sinh chịu khá nhiều thiệt thòi khi phần lớn thời gian ở cấp trung học phổ thông phải học trực tuyến, song đã có ý thức vươn lên rất cao….
– Lứa học sinh lớp 12 vừa qua khá thiệt thòi khi chỉ có một năm học trọn vẹn trực tiếp tại trường. Các nhà trường đã hỗ trợ các em thế nào, thưa ông?
– Ngoài việc hỗ trợ thường xuyên của các nhà trường thông qua nhiều hoạt động đồng hành với học sinh cuối cấp, kịp thời có giải pháp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn…, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giúp thí sinh ôn tập qua hệ thống học và thi trực tuyến (https://study.hanoi.edu.vn); học qua truyền hình (3 buổi/tuần)…
Việc khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 vào đầu tháng 4-2023 cũng là căn cứ để Sở nắm được “bức tranh” tổng thể về chất lượng dạy học của toàn thành phố cũng như từng nhà trường, từ đó kịp thời có những điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành. Trong các ngày thi, tùy theo điều kiện cụ thể, chính quyền địa phương các cấp cũng đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ với tinh thần ưu tiên các điều kiện tốt nhất cho thí sinh.
– Hà Nội còn tổ chức hội nghị với 70 trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất năm 2022. Giải pháp nào đã được thống nhất triển khai để toàn ngành có được kết quả bứt phá như vậy, thưa ông?
– Ngành Giáo dục Hà Nội xác định, việc cải thiện chất lượng giáo dục cần có lộ trình, song không thể chần chừ. Với tinh thần này, các nhà trường đã chia sẻ nhiều giải pháp cụ thể như phân công giáo viên có kinh nghiệm phụ đạo học sinh yếu, kém; giúp học sinh không bị điểm liệt; xây dựng đề cương ôn tập cho từng nhóm đối tượng; cho học sinh tập dượt nhiều lần với các môn thi như kỳ thi thật…
Hà Nội cũng là địa phương có tỷ lệ thí sinh tự do nhiều nhất, năm nay là gần 4.000 em. Đây là đối tượng thí sinh gặp nhiều khó khăn trong học tập. Vì vậy, Sở và các nhà trường luôn đồng hành với các em trong suốt quá trình học tập, dự thi. Giải pháp được ưu tiên là phân nhóm theo năng lực học viên để bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi…
– Tăng cường đầu tư để giảm khoảng cách về điều kiện dạy học và chất lượng giáo dục giữa các nhà trường là giải pháp đã được Hà Nội kiên trì triển khai nhiều năm. Năm nay có giải pháp gì mới không, thưa ông?
– Các trường học, ngành giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã đã và đang tích cực hưởng ứng phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025. Phong trào nhằm tăng cường kết nối giữa các nhà trường, các giáo viên trong việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giảng dạy và hỗ trợ nhiều hơn đối với các nhà trường, học sinh ở địa bàn còn khó khăn. Dù mới triển khai từ tháng 12-2022, song ý nghĩa của phong trào đã nhanh chóng được lan tỏa. Nhiều trường học ở nơi thuận lợi đã chủ động đến với các trường vùng khó khăn để cùng nhân rộng những bài giảng hay, những phương pháp dạy hiệu quả…
Cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, việc triển khai phong trào là giải pháp mới của ngành Giáo dục Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các đơn vị, trường học. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng các giải pháp đã phát huy hiệu quả để kỳ thi năm sau tiếp tục gặt hái thêm nhiều kết quả tốt.
– Trân trọng cảm ơn ông!