Hội An là nơi ghi dấu ấn mối quan hệ ngoại giao và hợp tác, hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản. Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đó ở Hội An đã có từ lâu đời cách đây hơn 400 năm và đang tiếp tục được vun đắp, thúc đẩy trong thời hội nhập và phát triển mới.
Ngay từ cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII, Hội An đã trở thành thương cảng lớn bậc nhất xứ Đàng Trong của đất Việt, là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các vùng miền khác trên thế giới. Thương gia từ khắp các nước đến đây hội tụ, buôn bán, trong đó các thương gia Nhật Bản đã được các chúa Nguyễn cảm mến và ưu ái cho giữ nhiều vị trí quan trọng tại thương cảng Hội An.
Mối quan hệ gắn kết, lâu đời
Cộng đồng thương gia Nhật Bản được lập phố riêng, xây dựng các cơ sở thương mại và được sống theo phong tục tập quán của mình. Họ dần trở thành các yếu nhân quan trọng tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội và đặc biệt là trong kinh tế – thương mại ở đô thị – thương cảng Hội An, được cử làm Tổng bang trưởng (Thị trưởng) Hội An.
Trong thời gian này, người Nhật đã nắm giữ vai trò chủ đạo tại cảng thị Hội An và có quan hệ hết sức gần gũi, mật thiết với các Chúa Nguyễn, đến nỗi các thương khách châu Âu xem Hội An như là hải cảng của người Nhật. Trong 30 năm dưới thời Mạc Phủ (1604 – 1634), số thương thuyền Nhật Bản (Châu Ấn thuyền) được cấp giấy phép đến buôn bán tại 19 cảng của các nước Đông Nam Á. Trong đó, đến Hội An 86 chiếc trong tổng số 130 chiếc đến Việt Nam.
Sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 19 năm 2023” diễn ra từ 4-6/8/2023 tại Hội An – Quảng Nam. |
Các sử gia đánh giá rất cao vai trò của người Nhật trong việc thúc đẩy sự hưng thịnh của thương cảng Hội An suốt giai đoạn đầu thế kỷ 17, làm đà cho những trỗi dậy của đô thị Hội An trong các thế kỷ sau. Tuy chỉ xuất hiện vài chục năm nhưng người Nhật đã để lại trên đất Hội An nhiều di tích, dấu tích minh chứng sinh động về mối quan hệ giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản sâu đậm.
Các nhà khảo cổ học tìm thấy rất nhiều hiện vật liên quan đến người Nhật vô cùng giá trị. Ngoài những kiểu thức kiến trúc nhà ở, mộ cổ, tiền đồng, gương đồng, các vật dụng sinh hoạt gốm sứ Hizen, còn nhiều câu chuyện, huyền tích dân gian và các món ăn tương truyền có gốc gác từ người Nhật. Đặc biệt là di tích Chùa Cầu – còn gọi là cầu Nhật Bản, tương truyền được người Nhật xây dựng, giờ trở thành biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới – Hội An. Chùa Cầu gắn với một “truyền thuyết thế giới” về con Cù đầu ở Ấn Độ, đuôi ở Nhật Bản, mình ở Hội An…
Luôn giữ gìn, tiếp nối và phát triển mối quan hệ tốt đẹp đó, thời gian qua, Hội An đã không ngừng đẩy mạnh mối quan hệ giao lưu hợp tác, hữu nghị với đối tác, địa phương của Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, giao lưu nhân dân…
Không ngừng đẩy mạnh giao lưu, hợp tác
Các tổ chức và chuyên gia Nhật Bản đã đến Hội An để hợp tác nghiên cứu khoa học, tu bổ di tích, tổ chức hội thảo, tập huấn, tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến hành nhiều hoạt động khác nhằm bảo tồn và phát huy bền vững di sản văn hóa Hội An. Nhật Bản cũng thường xuyên hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển du lịch, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản tại Hội An như tu bổ các di tích nhà cổ, chùa Cầu, phân loại rác tại nguồn, đảm bảo sinh kế cho người dân xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm)…
Di tích Chùa Cầu – còn gọi là cầu Nhật Bản, biểu tượng của quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Hội An. |
Thời gian qua, giao lưu, hợp tác địa phương là một trong những lĩnh vực được tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh với các đối tác Nhật Bản. Hội An được chọn là bạn hữu với các địa phương của Nhật Bản thông qua chương trình giao lưu bạn hữu quốc tế của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).
Tháng 11/2017, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại Việt Nam, Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản đã được khai trương tại phố cổ Hội An, góp phần thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa và mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và các tổ chức, địa phương của Nhật Bản nói riêng, giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam – Nhật Bản nói chung. Từ đó đến nay, Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản được duy trì và phát huy với nhiều hoạt động thú vị, đặc sắc, thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi năm.
Tại Hội An, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản còn khăng khít hơn nữa thông qua việc tổ chức sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản” hằng năm. Được tổ chức lần đầu tiên từ năm 2003 đến nay, sau nhiều lần tổ chức, sự kiện đã tạo được tiếng vang, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Những chương trình diễn ra để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người tham gia. Từ đó, góp phần củng cố mối quan hệ giao lưu – hữu nghị giữa nhân dân Hội An, Quảng Nam, Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP Hội An phát biểu tại sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản” năm 2023. |
Sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 19 năm 2023” diễn ra từ 4-6/8/2023 đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản càng có ý nghĩa hơn, qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố thúc đẩy mối quan hệ thân thiết, nghĩa tình giữa hai đất nước, hai dân tộc.
Có thể nói rằng từ nền tảng vững chắc của mối quan hệ hợp tác thắm tình hữu nghị trong quá khứ kết hợp với quá trình hợp tác đầy hiệu quả trong thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng quan hệ giao lưu văn hóa, hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản ở Hội An chắc chắn sẽ ngày càng đơm hoa kết quả với những thành tựu mới.