Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dấu ấn nhà văn xứ Quảng

Dấu mốc sau giải phóng đất nước 1975, đặc biệt sau khi tái lập tỉnh năm 1997, đội ngũ nhà văn Quảng Nam ghi dấu rõ rệt trên văn đàn, thể hiện một tính cách Quảng sâu sắc…

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam20/04/2025

dai-dien-bac-le.jpg
Nhà văn Hồ Duy Lệ tại buổi ra mắt sách "Cuộc tình vùng đất lửa" năm 2024. Ảnh: Hồ Quân

Nối tiếp và kế thừa

Trong kháng chiến chống Mỹ, chiến trường Khu 5 trở thành vùng không gian văn học rộng lớn, để lại dấu ấn sâu đậm trong dòng văn học cách mạng của các nhà văn tên tuổi như Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Bá Thâm, Hồ Duy Lệ…

Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, một số nhà văn chiến trường tiếp tục gắn bó, trụ lại với đất Quảng, trong đó có nhà văn Nguyễn Bá Thâm, Hồ Duy Lệ. Đây là các nhà văn nối tiếp giữa hai giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới.

Có dịp trở lại chiến trường xưa, nhà văn Nguyễn Bá Thâm đã viết các tập bút ký “Đi dọc đường biên” và “Đất của máu và lửa”. Nhà văn Hồ Duy Lệ đặc biệt giữ được bút lực dài hơi, vẫn miệt mài sáng tác dù tuổi ngoài 80.

Điểm qua mốc xuất bản sách của ông, mới thấy hết hành trình viết bền bỉ và đồ sộ: “Cát xanh” (năm 1994), “Trong lớp bụi thời gian” (2000), “Những người sót lại” (2002), “Chuyện kể ngày nào” (2004), “Hoa xương rồng trên cát” (2004), “Mạ tôi” (2006), “Mười Chấp và một thời” (2011), “Lửa Núi Thành” (2011), “Không có gì trôi đi mất” (2012), “Dặm trường gian truân” (2015), “Đường về Đà Nẵng” (2018), “Trụ lại” (2019), “Nơi có cát bay, sóng vỗ” (2020) và “Cuộc tình vùng đất lửa” (2024).

Tiếp nối thế hệ nhà văn gạo cội, trong hành trình xây dựng quê hương, nhiều nhà văn, nhà thơ xứ Quảng nghiêm túc và trách nhiệm với ngòi bút của mình, những mong phác thảo được diện mạo của vùng đất học.

Có thể kể đến như Lê Trâm, Nguyễn Tam Mỹ, Phùng Tấn Đông; Phạm Thông, Nguyễn Bá Hòa, Đỗ Thượng Thế, Huỳnh Minh Tâm, Nguyễn Chiến, Phạm Tấn Dũng…

Khai thác đề tài chiến tranh cách mạng có nhà văn Nguyễn Tam Mỹ với các tác phẩm nổi bật như: “Máu và tội ác”, “Tuổi thơ trong chiến tranh”, “Nóc ông bền”... Phạm Thông có các tập bút ký “Ám ảnh vùng Đông”, “Tam Kỳ thời lửa đạn”, “Cát đỏ”… Viết về thiếu nhi có nhà văn Nguyễn Bá Hòa với các tác phẩm: “Vạn dế than”, “Mõm đen ngày trở về”, “Bình minh trên sông Hoài”, “Hân cổ tích”, “Người dưng thương nhau”...

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ nhìn nhận: “Có 3 thế hệ viết văn Quảng Nam có sự kế thừa và kết nối. Anh em nỗ lực sáng tác, tạo nên diện mạo khá sắc nét trên bản đồ văn học cả nước.

Ngoài các nhà văn theo đuổi đề tài chiến tranh cách mạng thì các nhà văn, nhà thơ sau này có sự nghiên cứu, tìm tòi đổi mới về hình thức thể hiện, đặc biệt ở thể loại thơ có sự phá cách, hiện đại, bắt kịp xu hướng chung.

Đặc biệt, yếu tố Quảng in rất đậm nét qua Tặng thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Nam hằng năm, Giải thưởng Văn học nghệ thuật đất Quảng xét trao 5 năm/lần; thể hiện trong phương thức sáng tác như ngôn ngữ, tính cách Quảng khi xây dựng nhân vật”.

Từ năm 2003 - 2020, Quảng Nam có 4 nhà văn được kết nạp vào hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Tam Mỹ, Lê Trâm. Sau này có thêm hai người được kết nạp vào hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là nhà thơ Đỗ Thượng Thế và Tiến sĩ Huỳnh Thị Thu Hậu.

Cần sự dấn thân

Nhìn lại chặng đường 50 năm giải phóng quê hương, 28 năm tái lập tỉnh, lĩnh vực văn học nghệ thuật của Quảng Nam đã có một số thành tựu; thế nhưng so với truyền thống vùng đất học, là “cái nôi” văn học nghệ thuật cách mạng thì vẫn còn khiêm tốn.

sach quảng
Một số tác phẩm của các tác giả Quảng Nam. Ảnh: BẢO ANH

Theo nhà văn Nguyễn Bá Thâm - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1997 - 2009, việc thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và Tạp chí Đất Quảng là dấu ấn quan trọng. Qua đó tạo cơ sở để tập hợp văn nghệ sĩ, khuyến khích sáng tạo cũng như phát hiện nhân tố mới cho văn học đất Quảng.

Đặc biệt công trình “Trăm năm thơ đất Quảng” và Đề án triển khai công tác sưu tầm, hệ thống và sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng được Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam thông qua đã tạo điểm nhấn quan trọng trong sự phát triển của lĩnh vực văn học nghệ thuật Quảng Nam.

“Đối với công trình “Trăm năm thơ đất Quảng” ấn hành năm 2005, giúp cho độc giả có cái nhìn tổng quan về thơ của vùng đất này trải dài hai thế kỷ. Tháng 5/2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 54 về việc “Tiếp tục triển khai công tác sưu tầm, hệ thống và sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng”. Theo đó UBND tỉnh đã bố trí nguồn ngân sách cho việc triển khai thực hiện. Kết quả, chúng ta đã từng bước khai thác “kho vàng mười” đầy quý giá” - nhà văn Nguyễn Bá Thâm chia sẻ.

Một trăn trở nữa, theo nhà văn Nguyễn Tam Mỹ, hiện vẫn chưa có nhiều tác phẩm đầu tư xứng tầm với công cuộc xây dựng nông thôn mới.

“Dường như các nhà văn, nhà thơ xứ Quảng nằm ngoài công cuộc xây dựng nông thôn mới của quê hương, đây là điều mà tôi luôn trăn trở. Tiếp nối thế hệ nhà văn cách mạng, lớp nhà văn trẻ cần phải dấn thân, đi sâu vào thực tế đời sống để có thể viết nên câu chuyện thấm đẫm chất đời và chạm đến trái tim bạn đọc” - nhà văn Nguyễn Tam Mỹ cho hay.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/dau-an-nha-van-xu-quang-3153195.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm