Huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) sở hữu nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo hướng an toàn và bền vững. Sau một thời gian thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), kinh tế nông thôn của Lạc Sơn đã có bước phát triển tích cực, đời sống người dân được nâng cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Sản phẩm tinh bột nghệ của Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần Hòa Bình là sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Lạc Sơn. Sản phẩm này được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài đón nhận, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Năm 2024, Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần Hòa Bình lần đầu tiên xuất khẩu 720 hũ tinh bột nghệ sang thị trường Anh Quốc. Hiện nay, công ty đang làm việc với các đối tác để tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Nhật Bản.
Không chỉ “ăn nên làm ra”, khẳng định uy tín kinh doanh, Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần Hòa Bình còn giúp cho đời sống của nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Lạc Sơn được cải thiện khi họ tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên liệu đầu vào cho công ty.
Ông Bùi Văn Phẩm, xã Miền Đồi (huyện Lạc Sơn) chia sẻ: “Gia đình tôi liên kết trồng nghệ nguyên liệu, quy mô 7.000 m2với Công ty Nhưng Vần Hòa Bình. So với trồng lúa và các loại cây màu khác, giá trị cây nghệ đem lại cao hơn gấp 4 – 5 lần mà công đầu tư chăm sóc bỏ ra ít hơn. Bình quân mỗi vụ gia đình tôi có thêm nguồn thu 35 – 40 triệu đồng. Ti vi, xe máy, tiền ăn học của con cái cũng từ đó mà ra.”
Cũng như gia đình ông Phẩm, nhiều hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn ở các xã vùng sâu, xa như Quý Hòa, Miền Đồi, Tuân Đạo, Nhân Nghĩa… từng bước có cuộc sống ổn định với nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ, khi tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu cho công ty để tạo ra sản phẩm tinh bột nghệ chất lượng cao.
Còn tại vùng đất Phú Lương (huyện Lạc Sơn), ớt rẽ vốn là loại ớt mọc tự nhiên trên sườn núi cao trước đây ít được biết đến. Trải qua thời gian, sau khi được thu hái, chế biến bằng phương pháp muối bí truyền nhiều đời để lại của dân tộc Mường, kết hợp với vị chanh tươi đã đưa quả ớt rẽ Phú Lương đi đến muôn phương, thêm gia vị cho những mâm cỗ nơi phố thị. Từ khi được chứng nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, ớt rẽ Phú Lương đã góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho hàng trăm người dân là đồng bào DTTS của xã.
Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng Bùi Văn Nên chia sẻ: là địa bàn vùng sâu, xa, xã có trên 90% người dân là đồng bào DTTS. Trước năm 2020, đời sống kinh tế của đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước trong đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn; triển khai các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, bộ mặt nông thôn, đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Có được kết quả đó, ngoài việc phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, việc phát triển các sản phẩm OCOP cũng có những đóng góp quan trọng.
Số liệu thống kê của phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn cho thấy, đến nay huyện có 15 sản phẩm được chứng nhận OCOP (1 sản phẩm 4 sao, 14 sản phẩm 3 sao). Nổi bật nhất là sản phẩm tinh bột nghệ của Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần Hòa Bình là sản phẩm đầu tiên của huyện đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, đã được xuất khẩu sang một số nước.
Ngoài ra, huyện có nhiều sản phẩm OCOP như: hạt dổi Chí Đạo được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể, đạt chuẩn OCOP 3 sao từ năm 2019; gà ri Lạc Sơn của Hợp tác xã (HTX) Hương Nhượng và HTX Chí Thiện; gạo nếp Trứng Khe của HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Miền Đồi; mật ong Thành An của HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Thành An (xã Mỹ Thành); dệt thổ cẩm của HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm Lục Nghiệp Thành (xã Yên Nghiệp); rượu cần Mường Khói của hộ kinh doanh Bùi Văn Hảo (xã Ân Nghĩa); sim rừng Phương Bắc của Công ty TNHH Phương Bắc…
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn Bùi Văn Huân cho biết: Huyện luôn xác định rõ quan điểm phát triển các sản phẩm OCOP chất lượng cao nhằm tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống đồng bào DTTS gắn với xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trên tinh thần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, sản vật của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Cụ thể, huyện đã triển khai tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng trăm học viên nhằm cải thiện năng lực cho các hộ sản xuất kinh doanh, từng bước hỗ trợ người dân thực hiện quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
Cùng với đó, huyện có kế hoạch truyền thông, quảng bá sản phẩm cụ thể. Đối với những sản phẩm đạt OCOP, huyện đã xuất bản các ấn phẩm, video clip, hình ảnh giới thiệu; đồng thời thường xuyên cập nhật tin tức, thực hiện truyền thông qua website và mạng xã hội, giúp người tiêu dùng có thêm thông tin và hiểu rõ về nông sản của khu vực. Huyện cũng khuyến khích các đơn vị, cơ sở sản xuất tham gia triển lãm, hội chợ để người tiêu dùng từ nhiều nơi biết đến.
Đặc biệt, UBND huyện Lạc Sơn đã tạo điều kiện cho các cơ sở được sản xuất những mặt hàng đặc trưng, lợi thế nhất, song song với bố trí ngân sách riêng để phục vụ cho chương trình OCOP.
Điều đáng ghi nhận là các cơ sở, hộ sản xuất, luôn tích cực học hỏi, tìm tòi nhằm đa dạng hóa mẫu mã, nhãn mác và chất lượng cho sản phẩm; đầu tư, mở rộng quy mô vùng trồng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao của người tiêu dùng. Quá trình trồng, chăm bón, sản xuất và chế biến đều được cơ sở kiểm tra nghiêm ngặt, kỹ càng, tuân thủ theo tiêu chuẩn chất lượng đề ra để đảm bảo cung ứng những sản phẩm an toàn cho người dùng.
Với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các đơn vị sản xuất đã nghiên cứu những dòng sản phẩm mới chất lượng, có hiệu quả cao với sức khỏe người tiêu dùng, từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP và thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng mới.
Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ nông sản của huyện Lạc Sơn có những tín hiệu tích cực. Một số sản phẩm OCOP đã tham gia chuỗi cung ứng trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chuỗi thực phẩm sạch tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố; nhiều liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm được hình thành tạo chuỗi giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp ngày càng bền vững.
Đánh giá về hiệu quả của Chương trình OCOP, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Bùi Thanh Tùng nhận định: sự phát triển của các sản phẩm OCOP không chỉ giúp nâng cao giá trị sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của huyện trên thị trường, mà còn tạo ra chuỗi liên kết giá trị, định hình những vùng sản xuất sạch, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS của huyện.
Tuy nhiên, ông Bùi Thanh Tùng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình OCOP. Đó là các sản phẩm OCOP chủ yếu được lựa chọn ở những sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng đến phát triển sản phẩm chế biến sâu có tiềm năng, lợi thế ở địa phương. Trong khi đó, quy mô, năng lực quản trị các tổ chức tham gia Chương trình OCOP còn nhỏ, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; hoạt động xúc tiến thương mại chưa thực sự chủ động, chưa có kế hoạch cụ thể; các HTX, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, năng lực tiếp cận thị trường không đồng đều.
Đề cập về giải pháp xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới, lãnh đạo huyện Lạc Sơn cho biết, huyện sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về chương trình OCOP, nhất là cần hiểu đúng và đầy đủ về quan điểm, định hướng của chương trình, gắn với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng và có lợi thế ở mỗi địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại là một trong những bước then chốt để tạo cơ sở, động lực thúc đẩy chương trình; ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững.
“Trong thời gian tới, huyện quan tâm, chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP có tiềm năng, lợi thế của địa phương, chủng loại sản phẩm đa dạng hơn nhằm mở rộng quy mô, đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục. Một mặt, huyện khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể trong việc áp dụng khoa học, công nghệ vào quy trình sản xuất, chế biến. Mặt khác, huyện tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.” – Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Bùi Thanh Tùng cho hay.
07:50 21/12/2024
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dau-an-cua-niem-tin-va-thuong-hieu-san-pham-ocop-lac-son.html