Ngành sản xuất là một trong những nguồn phát thải lớn nhất khí nhà kính trên toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Quản lý Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành công nghiệp và sản xuất đóng góp khoảng 24% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Thông qua chuyển đổi số sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh bởi khi áp dụng rộng rãi các giải pháp công nghệ số có thể giảm 20% tổng lượng khí thải và tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong quá trình này, công nghệ số không chỉ giúp cắt giảm CO2 mà còn tăng hiệu suất sản xuất, tiết kiệm chi phí vận hành và mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, ước tính lên tới 4,9 nghìn tỉ USD. Công nghệ số có thể tiết kiệm 1,2 nghìn tỉ USD tiền điện, 1,1 nghìn tỉ USD chi phí nhiên liệu và 2,6 nghìn tỉ USD từ các khoản khác như bất động sản và nước.
Cũng như các nước khác, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn và cải thiện hiệu quả năng lượng trong sản xuất để giảm bớt tác động đến môi trường. Trong đó, chương trình chuyển đổi số quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc hướng ngành sản xuất tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, qua việc tối ưu hóa quy trình, giảm lãng phí và hỗ trợ năng lượng tái tạo.
Năm 2023, Việt Nam đã đạt được một số thành công lớn trong việc chuyển đổi số như chỉ số chuyển đổi số quốc gia tăng từ 0,48 năm 2022 lên 0,71; chỉ số Đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc lên hạng 46 toàn cầu; Việt Nam có trong top 10 quốc gia có lượt tải ứng dụng di động cao nhất thế giới 1 năm liên tiếp, số lượng người dùng trên các nền tảng số tăng 46% so với năm 2022, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á 2 năm liên tiếp….
Những bước tiến từ chuyển đổi số cũng tỉ lệ thuận với việc chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Theo DxReports của FPT Digital công bố hôm 4.5, trong năm 2023, Việt Nam đã đạt được một số tiến triển quan trọng trong việc chuyển đổi xanh, đặc biệt qua việc triển khai và thúc đẩy các chính sách, chiến lược, và kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững và mục tiêu Net Zero năm 2050.
Chẳng hạn, năng lượng tái tạo chiếm 13,8% tổng lượng điện sản xuất; tỉ lệ che phủ rừng từ 42,2% năm 2022 lên 43,1% năm 2023, nhiều địa phương triển khai thành công mô hình kinh tế tuần hoàn…
Nhìn chung, chuyển đổi số hỗ trợ chuyển đổi xanh thông qua việc cung cấp công nghệ và giải pháp để tối ưu hóa quy trình, giảm lãng phí, và nâng cao hiệu quả năng lượng. Cùng lúc, mục tiêu về một tương lai xanh hơn cũng thúc đẩy nhu cầu cho các đổi mới số trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, và quản lý chất thải, từ đó tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực giữa công nghệ và môi trường
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chuyển đổi xanh tại Việt Nam cũng đối mặt với với những thách thức lớn như thiếu hụt kỹ năng, chi phí đầu tư cao… Do đó, các doanh nghiệp cần có phương án để tiếp cận nguồn vốn “xanh”, đầu tư vào đào tạo và phát triển kỹ năng, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin… Đó sẽ là chìa khóa để tối đa hóa lợi ích từ chuyển đổi số.
Nguồn: https://laodong.vn/cong-nghe/dau-an-chuyen-doi-so-trong-qua-trinh-chuyen-doi-xanh-tai-viet-nam-1335810.ldo