Điểm sàn của các trường đại học năm nay dao động từ 14 – 24,5 điểm, trong đó cao nhất ở các ngành thuộc lĩnh vực sư phạm và y khoa. Cụ thể, ngành Sư phạm Toán học của Trường ĐH Sài Gòn có mức điểm sàn cao nhất cả nước với 24,5 điểm trở lên.
Nhiều ngành xét tuyển từ mức 24 điểm như ngành Y khoa, Y khoa phân hiệu Thanh Hóa, Răng – Hàm – Mặt của Trường ĐH Y Hà Nội; ngành Y khoa, Răng – Hàm – Mặt của Trường ĐH Y Dược TPHCM; ngành ngành Sư phạm Toán, Văn, tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; ngành Luật học của Trường ĐH Luật TPHCM.
Ngoài ra, tất cả các ngành của Trường ĐH Ngoại thương đều có điểm sàn là 24. Các ngành thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM cũng có điểm sàn từ mức này. Như vậy, thí sinh phải đạt trung bình từ 8 điểm trở lên mới có thể nộp hồ sơ vào những ngành này.
Ở mức sàn 23,5 điểm có tổ hợp C00 với các ngành Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế, Truyền thông quốc tế, Luật thương mại quốc tế, Châu Á – Thái Bình Dương học của Học viện Ngoại giao và các ngành của Trường ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội.
Mức điểm sàn thấp nhất hiện nay là 14 điểm ở Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và Trường ĐH Xây dựng miền Tây. Như vậy, thí sinh đạt trung bình dưới 5 điểm một môn cũng có thể đăng ký xét tuyển vào đại học.
Ngoài ra, khoảng 5 điểm/môn, thí sinh có thể nộp hồ sơ vào nhóm ngành hot. Chẳng hạn nhiều ngành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính lấy sàn ở mức 16 điểm, trong đó có nhiều ngành hot như: Kiểm toán, Công nghệ tài chính, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Kinh tế quốc tế, Thiết kế đồ họa, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành…
Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng có nhiều ngành hot lấy điểm sàn chỉ từ 16 như: Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Robot và trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Luật, Đông Phương học…
Năm nay, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng tuyển nhiều ngành hot như Quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin (gồm các chuyên ngành: Công nghệ thông tin, Công nghệ thông tin y tế, Thiết kế vi mạch, Thiết kế đồ họa), Khoa học máy tính, Truyền thông đa phương tiện, Công nghệ giáo dục. Các ngành này cũng có điểm sàn chỉ từ 16 – 17 điểm, tức hơn 5 điểm/môn thí sinh đã có thể nộp hồ sơ vào trường.
Nếu muốn đăng ký dự tuyển vào phân hiệu của Trường ĐH Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk, thí sinh chỉ cần có tổng điểm của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 15 điểm trở lên là có thể nộp hồ sơ.
Tại Trường ĐH Công đoàn, tất cả các ngành đào tạo đều có điểm sàn chỉ 15 – 16, trong đó có nhiều ngành hot như: Luật, Kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị nhân lực…
Trường ĐH Lao động Xã hội có các ngành/chương trình đào tạo cùng lấy điểm sàn 16 điểm, chẳng hạn như: Công nghệ thông tin, Luật Kinh tế, Kế toán, Kiểm toán, Bảo hiểm – Tài chính, Bảo hiểm, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Tài chính ngân hàng, Kinh tế…
Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, điểm sàn chỉ là ngưỡng tối thiểu các trường đại học lấy làm cơ sở tuyển sinh. Thí sinh cần có điểm thi cao hơn hoặc bằng điểm sàn mới được xét tuyển vào trường. Nhiều trường đưa ra ngưỡng điểm sàn thấp trong khi điểm chuẩn thực tế sẽ cao hơn. Do đó, khi đặt nguyện vọng, thí sinh cần tham khảo mức điểm chuẩn của các năm trước. Hạn cuối thí sinh điều chỉnh nguyện vọng vào 17h ngày 30/7.
Sau thời gian lọc ảo, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn bắt đầu từ 17h ngày 17/8 và hoàn thành chậm nhất đến ngày 19/8.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/diem-san-nhieu-truong-dai-hoc-chi-tu-15-2306279.html