Lãnh đạo Đảng, Nhà nước yêu cầu triển khai đồng bộ quyết liệt mọi giải pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để mang nhu yếu phẩm đến cho bà con và bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân.
Cùng đi với đoàn công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Lê Thành Long và lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…
Cùng đi với đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc tại tỉnh Thái Nguyên có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà…
Cứu dân là ưu tiên cao nhất
Tại tỉnh Tuyên Quang, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm hỏi, động viên các lực lượng đang tập trung xử lý mạch sủi và gia cố tuyến đê xung yếu tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ sâu sắc với người dân đang phải chịu ảnh hưởng do bão lũ gây ra, mong muốn người dân tiếp tục đoàn kết hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Đảng, Nhà nước sẽ nỗ lực hết sức để sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Đối với những vùng còn ngập, hoặc khó tiếp cận với người dân đang bị cô lập, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo tỉnh và các lực lượng triển khai đồng bộ quyết liệt mọi giải pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để đưa nhu yếu phẩm đến cho người dân và chú trọng bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm đạt được 5 mục tiêu: Tập trung cao độ cứu người, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho người xấu số; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh và hoạt động bình thường của đời sống xã hội; thống kê thiệt hại để có giải pháp khắc phục kịp thời; ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…
Nhấn mạnh, không chỉ với Tuyên Quang mà với cả các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão cần xác định “cứu dân là ưu tiên cao nhất”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu triển khai lực lượng, biện pháp khôi phục ngay các hoạt động bình thường của đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh; vệ sinh môi trường, sửa chữa, khắc phục nhanh hệ thống giao thông, lưới điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện, tuyệt đối không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; lưu ý phòng, chống dịch bệnh sau lũ; hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay sớm để khôi phục sản xuất…
Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trao số tiền 20 tỷ đồng ủng hộ tỉnh Tuyên Quang khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao 30 tỷ đồng ủng hộ tỉnh Phú Thọ khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Chậm nhất ngày 31/12 phải hoàn thành xây dựng lại bản Làng Nủ
Trưa 12/9, tại Yên Bái, sau khi kiểm tra tình hình thực tế, thăm hỏi, động viên người dân và các lực lượng đang làm nhiệm vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định tình hình, đời sống người dân và khôi phục sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Thị sát công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập lụt tại phường Hồng Hà, TP Yên Bái, Thủ tướng biểu dương, động viên lực lượng đang thu dọn bùn đất, rửa dọn nhà cửa, làm vệ sinh môi trường đường phố; mong muốn các lực lượng huy động tổng lực về nhân lực, phương tiện, tổ chức làm ngày đêm để cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường. Thăm hỏi người dân bị thiệt hại bởi mưa lũ, ngập lụt, Thủ tướng đề nghị bà con đoàn kết, “tương thân, tương ái”, cùng nhau chia sẻ khó khăn, chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ. Thủ tướng mong muốn người dân tiếp tục hỗ trợ nhau ổn định cuộc sống, thực hiện hướng dẫn, chưa vội quay lại nơi đã diễn ra sạt lở nhằm đảm bảo an toàn…
Về việc bảo đảm an toàn hồ Thác Bà, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ cùng tỉnh Yên Bái tiếp tục huy động tối đa các lực lượng quân đội, công an, thanh niên…; huy động máy móc, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai sớm ổn định cuộc sống, sản xuất, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, không có nhà ở…
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Lào Cai để thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân.
Điểm đầu tiên Thủ tướng tới thị sát là hiện trường vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Trong cuộc làm việc tại nhà văn hóa thôn Làng Nủ, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các bộ, cơ quan, lực lượng liên quan tập trung 7 nhiệm vụ trọng tâm trong khắc phục hậu quả vụ sạt lở.
Theo đó, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa, chăm sóc y tế những người bị thương, bị bệnh; dọn dẹp vệ sinh, môi trường, phòng chống dịch bệnh; khôi phục lại giao thông với tinh thần Trung ương lo đường lớn, tỉnh lo tỉnh lộ, huyện lo huyện lộ, xã lo xã lộ; nhanh chóng khôi phục trường lớp để các cháu trở lại trường sớm nhất có thể; khôi phục sản xuất kinh doanh, việc làm sinh kế cho người dân, nắm chắc tình hình, những khó khăn của người dân để giải quyết.
Thủ tướng cũng yêu cầu khảo sát, quy hoạch địa điểm an toàn với sự tham gia ý kiến khoa học của các cơ quan chuyên môn, để xây dựng lại, khôi phục bản Làng Nủ, bảo đảm các hộ dân có nơi ở an toàn với hạ tầng phù hợp, chậm nhất ngày 31/12/2024 phải hoàn thành, tỉnh Lào Cai chủ trì triển khai, nếu thiếu gì thì báo cáo Chính phủ; vận dụng cơ chế trong trường hợp đặc biệt để xử lý các vấn đề liên quan, như huy động lực lượng công binh xây dựng lại bản làng.
Đảm bảo các khoản hỗ trợ sớm đến với người dân
Chiều ngày 12/9, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác của Trung ương làm việc tại tỉnh Thái Nguyên về công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó và khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa, lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Quốc hội gửi lời chia sẻ, động viên, thăm hỏi tới toàn thể bà con, nhân dân trong tỉnh chịu thiệt hại do bão số 3 gây ra; đồng thời nhấn mạnh tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó khi nước rút và phải có kế hoạch khắc phục ngay những nơi ngập sâu, không để xảy ra dịch bệnh sau ngập lụt. Cần khắc phục sớm nhất có thể những thiệt hại về hạ tầng, như đường giao thông, điện, thông tin, giáo dục, y tế… để sớm đưa học sinh đến trường và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn, người bị thiệt mạng…
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đây là thời điểm cần phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách tham gia ủng hộ, khắc phục hậu quả mưa lũ; các khoản hỗ trợ cần phải được công khai, minh bạch, đảm bảo sớm đến với người dân.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đã kiểm tra thực địa; động viên bà con nhân dân và lực lượng đang làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại xã Nga My – một trong những nơi “rốn lũ” của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Trong chuyến cùng đoàn công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới 2 tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ chiều ngày 12/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trao số tiền 20 tỷ đồng ủng hộ tỉnh Tuyên Quang và trao 30 tỷ đồng ủng hộ tỉnh Phú Thọ để khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-dat-su-an-toan-cua-nguoi-dan-len-tren-het-10290175.html