Sáng 16/10, đại diện Box Office Vietnam – đơn vị quan sát phòng vé độc lập – thông báo phim Đất rừng phương Nam thu về 43 tỷ đồng trong tuần qua với tỷ lệ lấp đầy rạp tốt.
Trong 3 ngày chiếu sớm, Đất rừng phương Nam thu hút hơn 454.000 lượt khán giả ra rạp, số suất chiếu là 11.114. Tính thêm số liệu đến sáng 16/10, tổng doanh thu của phim đã cán mốc 45,4 tỷ đồng.
“Tuần tới, rạp không có tên phim nào nổi bật. Dự kiến Đất rừng phương Nam sẽ tiếp tục duy trì ngôi đầu bảng”, đại diện Box Office Vietnam đưa ra dự đoán.
Phía Box Office Vietnam cũng cho rằng Đất rừng phương Nam khó lòng phá các kỷ lục doanh thu của Nhà bà Nữ hay Bố già (hai bộ phim dẫn đầu kỷ lục doanh thu trong lịch sử phim Việt), song vẫn là cái tên đầy triển vọng của màn ảnh rộng năm nay.
Trước đó, Nhà bà Nữ từng cán mốc 100 tỷ đồng sau 3 ngày chiếu sớm, còn Bố già là 63 tỷ đồng.
Sau 3 ngày chiếu sớm, Đất rừng phương Nam vấp tranh cãi cho rằng phim có những chi tiết “sai lệch lịch sử” ở vùng đất Nam Bộ đầu thế kỷ 20. Nhiều khán giả phản ánh đạo diễn Quang Dũng và ê-kíp sản xuất gây hiểu nhầm khi “nâng tầm vai trò của Thiên Địa hội”.
Chiều 15/10, chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện Ảnh (Bộ VH,TT&DL) – cho biết, sau khi có những ý kiến về phim Đất rừng Phương Nam, Cục đã lắng nghe, ghi nhận.
Theo đó, đơn vị chức năng đã tiến hành thẩm định lại bộ phim, mời nhà sản xuất, đoàn phim để đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan.
Theo ông Thành, nhà sản xuất sẽ bỏ tên và lời thoại liên quan đến “Thiên Địa hội”, “Nghĩa Hòa đoàn” và thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài. Sự thay đổi này để tránh sự liên tưởng đến hội nhóm từ thời nhà Thanh (Trung Quốc).
Nhà sản xuất phim cho biết phần thoại trong phim sẽ chuyển từ “Nghĩa Hòa đoàn” thành “Nam Hòa đoàn” và “Thiên Địa hội” thành “Chính Nghĩa hội”.
Bên cạnh đó nhà sản xuất điều chỉnh dòng chữ: “Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi” lên đầu phim nhằm làm rõ hơn ý đồ của nhà làm phim về sự thay đổi mốc thời gian trong tác phẩm văn học, theo sát hơn bản phim truyền hình vốn đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả.
Đất rừng phương Nam là phiên bản điện ảnh được kế thừa và phát triển từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Phim kể về hành trình phiêu lưu của An – một cậu bé chẳng may mất mẹ trên đường đi tìm cha.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông hôm 11/10, khi đề cập đến những ý kiến cho rằng Đất rừng phương Nam không thuần Việt, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay: “Thực ra tôi cũng đã xem nhiều ảnh tư liệu về thời kỳ lịch sử thực tế.
Lưu ý rằng phim này đã thay đổi bối cảnh, mốc thời gian so với bản tiểu thuyết. Bản tiểu thuyết lấy bối cảnh khoảng năm 1945. Còn chúng tôi giữ tinh thần của bản truyền hình, lấy mốc thời gian trước năm 1930.
Từ đó, hành trình của bé An đi qua nhiều môi trường, gặp gỡ nhiều cộng đồng văn hóa, tiếp xúc mâu thuẫn nhiều hội nhóm.
Quan trọng là phim mang thông điệp về tình cảm con người. Đó là trong mỗi con người Việt Nam, ai cũng yêu nước, nhưng theo những cách khác nhau”.