Một năm sau khi dỡ bỏ hạn chế đi lại vì đại dịch Covid-19, các nhà chức trách ở Nhật Bản đang phải căng sức đối phó với hàng triệu du khách, đặc biệt là những người không có ý thức bảo vệ môi trường và tôn trọng phong tục địa phương.
Theo tờ The Guardian, khi đại dịch Covid-19 lên đến đỉnh điểm, các chủ nhà hàng ăn uống và cửa hàng ở chợ Tsukiji, thủ đô Tokyo (Nhật Bản), có lẽ đã “mơ” về những ngày như thế này.
Từng đoàn du khách mang theo điện thoại thông minh đi lại tấp nập dọc theo những con phố chật hẹp. Họ dừng lại để ngắm nghía những con dao làm bếp được rèn thủ công và món dưa chua tsukemono và nếm thử ngụm nước xanh miễn phí.
Các nhà hàng đông nghịt khách vào giờ ăn trưa với món wagyu nướng, chân cua luộc và món tráng miệng là dâu tây căng mọng nằm gọn trong những miếng mochi dẻo dai.
Nhưng có những dấu hiệu cho thấy các vị khách du lịch đáng quý của Tsukiji không phải lúc nào cũng hành xử tốt.
Những tấm biển bằng tiếng Anh yêu cầu không ăn bên ngoài cửa hàng hoặc bỏ rác lại phía sau. Nhân viên giơ cao các tấm biển nhắc nhở thực khách nơi xếp hàng cho bữa trưa sushi 12 miếng, giá 2.700 yên (442.000 VNĐ).
Ở Tsukiji, cũng như nhiều điểm đến nổi tiếng khác trên thế giới, du lịch bùng nổ chẳng khác nào con dao hai lưỡi.
Là cơ hội
Gần một năm sau khi Nhật Bản dỡ bỏ mọi hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19, du khách nước ngoài đã quay trở lại mang theo niềm hứng khởi. Quốc gia này chợt như thỏi nam châm thu hút khách lịch bởi đồng yên ‘yếu’, nền ẩm thực hàng đầu thế giới và lời hứa về một kỳ nghỉ nhớ đời ở một đất nước xinh đẹp bậc nhất châu Á.
Tommy Buchheit, một người Mỹ đến du lịc Nhật Bản lần đầu tiên cho biết: “Mọi thứ đều rẻ, dịch vụ tuyệt vời và đồ ăn là thứ tốt nhất mà bạn có thể có với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ so với mức giá bạn phải trả ở Mỹ”.
Theo cơ quan quản lý nhập cư Nhật Bản, năm 2023, nước này đón 25,8 triệu du khách nước ngoài – tăng gấp 6 lần so với năm 2022.
Lượng du khách khổng lồ chi số tiền kỷ lục 5,3 nghìn tỷ Yên (868.000 tỷ VNĐ), theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản.
Chính phủ nước này muốn con số nhiều hơn nữa, đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đón 60 triệu du khách vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng Nhật Bản chưa chuẩn bị tốt để đón lượng khách du lịch tăng cao. Lý do là sự căng thẳng ngày càng gia tăng về chỗ ở, giao thông công cộng và dịch vụ, đúng vào thời điểm đất nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Trong tầm nhìn về một “quốc gia du lịch” mới, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết du lịch bền vững phụ thuộc vào việc chào đón du khách mà không ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
Các đề xuất được Nhật Bản đưa ra năm 2023 bao gồm tăng số lượng xe buýt và taxi, tăng giá vé giao thông công cộng trong giờ cao điểm và mở các tuyến xe buýt mới.
Các nhà chức trách cũng thí điểm 11 điểm du lịch “kiểu mẫu”, bao gồm vùng nông thôn phía đông Hokkaido và đảo cận nhiệt đới Okinawa, hy vọng sẽ thu hút du khách đến, tránh quá tải cho Tokyo, Osaka và Kyoto. 3 nơi này chiếm tới 64% số lần lưu trú qua đêm của du khách nước ngoài trong 8 tháng đầu năm 2023.
Nhưng cũng là thách thức
“Ô nhiễm du lịch” thể hiện rõ nhất ở Kyoto, cố đô của Nhật Bản và là nơi có một số ngôi chùa, đền thờ nổi tiếng nhất cả nước. Năm 2022, số lượng khách du lịch đến thăm Kyoto đã lên tới 43 triệu người – gấp khoảng 30 lần dân số thành phố.
Peter MacIntosh, một cư dân Canada lâu năm chuyên tổ chức các chuyến đi bộ, cho biết người dân đang phải vật lộn để dung hòa sự xáo trộn do đám đông du khách gây ra và việc kiếm tiền.
“Vấn đề là người dân ở đây muốn cả 2 điều – vừa muốn có cuộc sống yên tĩnh hơn và vừa kiếm được tiền – nhưng càng có nhiều người đến càng phức tạp. Kyoto đang trở thành một nơi miễn phí cho tất cả mọi người”, MacIntosh nói và cho biết thêm rằng các nhóm du lịch lên tới 40 người không phải là điều bất thường.
Sự bùng nổ du lịch khiến cả những địa điểm ít nổi tiếng hơn phải vật lộn với lượng khách tăng cao.
Một số chính quyền địa phương đang tự mình giải quyết vấn đề này, trong bối cảnh lo ngại rằng du lịch quá tải đang làm tổn hại đến các địa điểm mang giá trị lịch sử và sinh thái.
Du khách đến thăm Đền Itsukushima, một di sản thế giới của UNESCO, hiện phải trả 100 yên (16.000 VNĐ) vé vào cửa. Dự kiến cuối năm nay, khách du lịch đến quần đảo Taketomi sẽ phải trả một khoản tiền để giúp bảo vệ những bãi biển hoang sơ.
Từ mùa hè này, du khách có kế hoạch leo lên đỉnh núi Phú Sĩ, một địa điểm khác của UNESCO, sẽ bị tính phí 2.000 yên (327.000 VNĐ), khi chính quyền địa phương cố gắng giảm bớt căng thẳng trên những con đường mòn đông đúc mà hơn 5 triệu người đã đi qua vào năm 2019.
Karlÿn de Bruin, người Hà Lan đang đến thăm Tokyo cùng cha và anh trai, cho biết: “Nhật Bản đã trở thành một nơi trong danh sách những điểm đến không thể bỏ qua. Tôi có thể tưởng tượng rằng người dân địa phương đã ‘chán ngấy’ cảnh bừa bãi nên chúng tôi cố gắng giữ ý thức”.
Bà Kenichi Kondō, một người bán cá ở Tsukiji, cười rạng rỡ khi phục vụ phi lê cá tuyết đen nướng cho những người qua đường đang đói bụng.
Bà Kondō đã bán hàng ở đây suốt hơn 50 năm. Bà cho biết: “Doanh thu của chúng tôi tăng gấp 10 lần so với vài năm trước. Đầu tiên chúng tôi đón rất nhiều khách đến từ Bắc Mỹ và Châu Âu, nhưng bây giờ chủ yếu là du khác đến từ Đông Nam Á. Chúng tôi dự kiến sẽ đón thêm nhiều du khách Trung Quốc khi họ sắp đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán”.
Trong khi bày tỏ lòng biết ơn du khách đã mang đến miếng cơm manh áo cho 10 nhân viên trong cửa hàng của mình, bà Kondō cũng thừa nhận rằng việc xả rác đã trở thành một vấn đề lớn.
“Chúng tôi cố gắng giải quyết vấn đề đó bằng cách đề nghị được vứt rác giúp mọi người nếu họ mua cá của chúng tôi. Có những trường hợp ngoại lệ, nhưng khách du lịch ở đây nhìn chung cư xử rất tốt”.
Lizzie Jones, một người Mỹ trong chuyến đi thứ 4 đến Nhật Bản, tỏ ra lạc quan về đám đông mà cô gặp ở Tsukiji vào một ngày tháng Hai ấm áp trái mùa.
Nhưng giống như nhiều người dân địa phương, cô không chấp nhận việc xả rác bừa bãi và thiếu ý thức, những người chà đạp lên phong tục địa phương và coi những địa điểm đông đúc như studio chụp ảnh cá nhân của họ.
“Tôi nghĩ đó là vấn đề mang tính thế hệ”, cô nói. “Mấy lần đầu tôi đến đây, không có rác mà bây giờ thì nhiều. Ngoài ra còn có cảm giác về quyền lợi… mọi người làm bất cứ điều gì họ muốn và không chịu chấp nhận tuân thủ theo phong tục địa phương. Họ không quan tâm. Những địa điểm này không phải tồn tại để làm nền cho bài đăng trên Instagram của họ”.
Nguồn: The Guardian