Việc mở rộng quan hệ song phương, tham gia tích cực vào các khuôn khổ đa phương giúp Việt Nam nổi lên như một trong những quốc gia quan trọng không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới.
Với chính sách “ngoại giao cây tre” linh hoạt, hiệu quả, dựa trên nội lực kinh tế vững chắc, năm 2024, Việt Nam tiếp tục ghi thêm nhiều dấu ấn trên bản đồ quốc tế.
Việc mở rộng quan hệ song phương, tham gia tích cực vào các khuôn khổ đa phương giúp Việt Nam nổi lên như một trong những quốc gia quan trọng không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới.
Theo ông Layton Pike, thành viên Ban Cố vấn của Viện Chính sách Australia-Việt Nam, việc cân bằng các mối quan hệ trong khu vực và trên toàn cầu là một trong những đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Việt Nam năm 2024.
Trong khi đó, cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ S.D. Pradan cho rằng những bước tiến về quan hệ đối ngoại năm 2024 là minh chứng cho sự vươn tầm mạnh mẽ của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đang ngày càng khẳng định là cầu nối quan trọng, đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Các quan hệ đối tác quốc tế của Việt Nam không ngừng được mở rộng trong năm 2024, trong đó đáng chú ý là các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, đánh giá việc Việt Nam tiến hành nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Australia (tháng 3/2024), Pháp (tháng 10/2024), Malaysia (tháng 11/2024) là một sự đột phá của ngành ngoại giao.
Theo ông, những sự kiện này đều nằm trong chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, khi Việt Nam đã phát triển hàng chục mối quan hệ đối tác và đối tác chiến lược toàn diện với các nước.
Những thành công ngoại giao đó đã khiến vị thế của Việt Nam trong ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung được nâng tầm mạnh mẽ.
Song song với đó, các hoạt động ngoại giao cấp cao trong năm nay tiếp tục diễn ra sôi nổi, đặc biệt là chuyến công tác hồi tháng Chín của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi đó tại Mỹ và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai.
Chuyến công tác và làm việc được đánh giá đã đạt được ở mức cao tất cả các mục tiêu đề ra với gần 50 hoạt động song phương và đa phương.
Trong cuộc gặp giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Joe Biden, phía Mỹ đã khẳng định Việt Nam là đối tác có tầm quan trọng hàng đầu tại khu vực, qua đó phản ánh mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục khắc họa hình ảnh một đất nước hòa bình, ổn định, thân thiện, đáng tin cậy và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, mong muốn đóng góp hơn nữa vào các công việc chung vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên toàn cầu.
Việc tái đắc cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế với số phiếu cao khẳng định uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng, qua đó tạo thuận lợi để tham gia sâu hơn vào các cơ chế hoạch định chính sách toàn cầu của Liên hợp quốc.
Trong vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam tiếp tục đóng góp vào các hoạt động và quyết định quan trọng của cơ quan này.
Năm 2024, Việt Nam tiếp tục ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028, khẳng định quyết tâm và khả năng duy trì vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Đại sứ Riyad Mansour, Trưởng phái đoàn quan sát viên thường trực Palestine tại Liên hợp quốc, đánh giá Việt Nam giờ đây là một quốc gia rất quan trọng của cộng đồng quốc tế, là thành viên tích cực và trách nhiệm của Phong trào không liên kết, Nhóm G77 và Trung Quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng như Liên hợp quốc nói chung.
Tinh thần sẵn sàng sẻ chia trách nhiệm cũng được phản ánh qua việc Việt Nam triển khai lực lượng tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Nhà nghiên cứu lịch sử Enzo Sim Hong Jun của Viện nghiên cứu Penang (Malaysia), đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục hòa bình và trật tự ở một số khu vực bất ổn nhất trên thế giới như Abyei, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi.
Ông khẳng định trong bối cảnh hòa bình ở những khu vực trên còn rất mong manh, Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho cộng đồng quốc tế trong việc đóng góp nhiều hơn cho các phái bộ nhân đạo quốc tế và là minh chứng về cách thức một quốc gia đang phát triển có thể hỗ trợ các quốc gia kém phát triển “gieo hạt hòa bình.”
Cùng chung quan điểm, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Argentina, Marcelo Rodríguez khẳng định sự tham gia của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu trợ thiên tai và hợp tác quốc tế trong thời gian qua phản ánh khát vọng lớn của dân tộc về một thế giới cùng chung sống hòa bình và thịnh vượng.
Trong vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam đã công bố Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phiên bản cập nhật.
Bà Rohini Kohli, Cố vấn cấp cao của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), coi NAP cập nhật là “tiến bộ đáng kể trong thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu,” giúp Việt Nam khai thác hiệu quả các nguồn lực và hướng tới tương lai bền vững.
Là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam, ngoại giao văn hóa được coi là một lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại.
Theo đánh giá của ông Lăng Đức Quyền, nhà nghiên cứu Trung Quốc về các vấn đề Việt Nam, năm 2024 là “một năm bội thu” của ngoại giao văn hóa Việt Nam, với việc nhận thêm 6 danh hiệu của UNESCO, nhiều nhất kể từ nhiều năm qua, nâng tổng số các danh hiệu mà Việt Nam nhận được lên 71.
Lãnh đạo UNESCO và các nước cũng đánh giá cao và cảm ơn sự đóng góp có trách nhiệm và hiệu quả của Việt Nam vào việc thúc đẩy hợp tác giữa các Công viên địa chất toàn cầu UNESCO về bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản và tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững thông qua việc đăng cai tổ chức rất thành công Hội nghị quốc tế lần thứ tám Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu châu Á-Thái Bình Dương (Cao Bằng, 9/2024) với sự tham gia của 800 đại biểu đến từ 19 quốc gia.
Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới. Nhờ sự chủ động và tích cực tham gia sâu rộng vào các hoạt động quốc tế, kết hợp hài hòa giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế là một đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.”
Với những kết quả kinh tế xã hội và vị thế quốc tế đã đạt được trong năm 2024, tiếp nối những thành tựu to lớn của gần 40 năm Đổi mới, có thể nói Việt Nam đang có bệ phóng vững chắc để tự tin bước vào kỷ nguyên mới, nơi mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu./.