Dự buổi lễ, có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Cục Địa chất Việt Nam; toàn thể công chức, viên chức và người lao động của cơ quan Cục Địa chất Việt Nam; tập thể lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục; toàn thể cán bộ ngành Địa chất Việt Nam qua các thời kỳ.
Về dự còn có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm: Cục Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia và Tổng Hội Địa chất Việt Nam.
Phát huy truyền thống để phát triển
Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 718/QĐ-TTg về việc lấy ngày 2/10 hàng năm là ngày truyền thống Ngành Địa chất Việt Nam. Tuy nhiên, ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 10 hàng năm vẫn là ngày truyền thống của các thế hệ địa chất Việt Nam, là ngày giao lưu, gặp gỡ của các bác, các cô chú, các anh chị đã nghỉ hưu với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan, đơn vị Ngành địa chất Việt Nam.
Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng rất xúc động vì có nhiều đại biểu đã lớn tuổi nhưng vẫn minh mẫn, đủ sức khỏe và dành thời gian trở về đây tham dự buổi gặt mặt các thế hệ địa chất. Qua những buổi giao lưu, gặp gỡ này làm sâu sắc thêm bề dày sự nghiệp vẻ vang của ngành kể từ những ngày đầu lập quốc, niềm phấn khởi, tự hào, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác trong Ngành Địa chất Việt Nam quyết tâm phấn đấu vươn lên, tạo ra sức mạnh để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao và yêu cầu thực tiễn nền kinh tế xã hội để viết tiếp những trang vàng trong truyền thống lịch sử của mình.
Trải qua 78 năm hình thành và phát triển, đã có rất nhiều thế hệ địa chất đã đi qua và để lại dấu chân trên khắp nẻo đường của Tổ quốc, ngày 1/10 cùng tề tựu để gặp nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp, vui, buồn trong quãng đời làm địa chất, đặc biệt là chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của nghề.
Thời gian trôi không ngừng, Ngành Địa chất Việt Nam tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế. Trong quá trình phát triển, mặc dù có những thay đổi về tổ chức, số lượng viên chức, người lao động có giảm, nhưng Ngành Địa chất Việt Nam luôn phát huy truyền thống để phát triển, đạt được nhiều kết quả, thành tựu gắn với nhiều dấu mốc lịch sử.
Kết quả thực hiện của ngành Địa chất đến năm 2022 đã được thể hiện trong buổi gặp mặt lần trước, do vậy, ngày 1/10 hôm nay, Cục trưởng Trần Bình Trọng chia sẻ một số kết quả nổi bật của năm 2023. Theo đó, Cục Địa chất Việt Nam đã và đang phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Đến nay, dự thảo đã được đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử và gửi đến các bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến góp ý, đồng thời tổ chức Hội thảo tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đây là cơ sở pháp lý chắc chắn để giúp ngành Địa chất phát triển bền vững đúng với phạm vi và tầm vóc của ngành, đó là khơi dậy giá trị tài nguyên không chỉ khoáng sản mà toàn bộ giá trị tài nguyên địa chất đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh đất nước, đồng thời giúp cho việc quản lý tài nguyên địa chất đa dạng, đầy đủ hơn…
Bên cạnh đó, Thủ tướng chính phủ phê duyệt 3 văn bản chính của ngành địa chất giai đoạn 2021-2030: “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Kế hoạch thực hiện chiến lược của Bộ TN&MT; “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia”.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện 4 đề án Chính phủ: Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế – xã hội; Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 và Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cục trưởng Trần Bình Trọng nhấn mạnh: “Kết quả công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã phục vụ kịp thời phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần phục vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh, thành phố; đã kịp thời đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản giai đoạn 2021 -2030 hàng trăm diện tích có tài nguyên khoáng sản tin cậy của 60 loại hình khoáng sản. Kết quả mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước thông qua đấu giá cấp quyền thăm dò, khai thác khoáng sản”.
Các cơ quan quản lý đánh giá cao ý kiến tư vấn phản biện của các nhà địa chất
Tại buổi gặp mặt, ông Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết: Các chuyên gia của Tổng hội đã tích cực tham gia các hoạt động tư vấn phản biện trong nhiều lĩnh vực: địa chất, khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, đào tạo và chính sách quản lý, khai thác, chế biến khoảng sản. Những chuyên gia tham gia công tác phản biện của Tổng hội luôn đảm bảo tính khách quan, khoa học, đã đưa ra những ý kiến sâu sát và nghiêm túc.
Trong thời gian qua, Tổng hội đã tham gia phản biện một số nhiệm vụ liên quan đến công tác địa chất như xây dựng Chiến lược địa chất, khoáng sản và mới đây là dự án sửa đổi Luật Khoáng sản năm 2010.
Đặc biệt, vừa qua, nhiều chuyên gia của Tổng hội được Hội đồng Thẩm định Quy hoạch ngành cấp quốc gia mời là tư vấn phản biện chính cho các Dự án quan trọng là Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ TN&MT chủ trì xây dựng; Dự án Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại, nhóm khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng chủ trì thành lập. Những ý kiến tư vấn phản biện của Tổng hội luôn đảm bảo tính khách quan, khoa học, đã đưa ra những ý kiến sâu sát và nghiêm túc được các cơ quan quản lý đánh giá cao.
Ông Hoàng Văn Khoa cho biết: “Trong ngôi nhà chung của ngành Địa chất Việt Nam, Tổng hội Địa chất Việt Nam nhận thức và đánh giá cao vai trò trụ cột, nòng cốt, tiên phong của các cơ quan quản lý, trước hết là Cục Địa chất Việt Nam và các cơ quan khác như Cục Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản”.
Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng trên chặng đường phát triển tới đây, việc triển khai Chiến lược địa chất, khoáng sản và xây dựng, triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản là cơ hội và thách thức đối với ngành Địa chất Việt Nam. Tổng hội mong muốn được tiếp tục sát cánh, cộng tác, đồng hành cùng Cục Địa chất Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản trong thực hiện các nhiệm vụ địa chất, quản lý tài nguyên khoáng sản và công cuộc xây dựng, phát triển Ngành Địa chất.
Trước yêu cầu của thực tiễn, trong thời gian tới, ngành Địa chất Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, các Bộ ngành, lĩnh vực có liên quan xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản trình Quốc hội xem xét ban hành trong năm 2024; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá các dạng công việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; tiếp tục xây dựng, đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu mới ngành Địa chất; tăng cường năng lực chuyên môn, công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản nhằm xây dựng tài nguyên tin cậy các khoáng sản quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn; ưu tiên điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản biển.
Đồng thời, ngành Địa chất Việt Nam tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, điều tra viên ngành địa chất có trình độ cao; tăng cường hợp tác đào tạo với nước ngoài phát triển đội ngũ chuyên gia địa chất; khôi phục và xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý đối với ngành địa chất nhằm thu hút lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, lao động trẻ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của ngành địa chất; đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương, đa phương hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới vào quản lý và điều tra cơ bản địa chất trong điều kiện mới.Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng