Giá đất nền vùng ven duy trì đà giảm
Cầm hơn 5 tỉ đồng trong tay, anh Ngô Thanh Nam (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đang choáng ngợp vì có quá nhiều lựa chọn với đất nền. Năm ngoái anh tính mua đất nền ở các huyện Đông Anh, Mê Linh, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoài Đức… để đầu tư, nhưng với số tiền 5 tỉ đồng, anh không có nhiều lựa chọn.
“Tôi ngắm một mảnh đất hơn 100 m2 ở H.Đan Phượng nhưng năm 2022 chủ báo giá gần 7 tỉ đồng, năm nay chỉ còn 5,5 tỉ đồng”, anh Nam nói và cho biết đang phân vân vì tại H.Mê Linh, giá đất nền cũng đã giảm khoảng 30% so với năm trước, rất dễ mua.
Tại một số huyện ven Hà Nội như Đan Phượng, Mê Linh, Sóc Sơn, Quốc Oai… một thời gian dài, giá đất nền rất “nóng” nhưng giờ đây, vị thế “ngôi sao” của loại hình bất động sản này đã bị mất.
Chị Trần Thu Huệ, một môi giới bất động sản tại TT.Trạm Trôi, H.Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, hiện tại nhiều chủ đất rao cắt lỗ nhưng giá rao vẫn còn cao. Đơn cử, đất trung tâm H.Hoài Đức vẫn được rao khoảng 45 – 60 triệu đồng/m2, dù đã giảm khoảng 30% so với một năm trước nhưng vẫn “khó để mua”.
Lý do của tình trạng này, là do sự trầm lắng của bất động sản nói chung, đất nền nói riêng cũng như tâm lý chờ “bắt đáy” của các nhà đầu tư bất động sản. Thay vì là động lực tăng chính cho đất ven Hà Nội như trước đây, đất phân lô bán nền đang có xu hướng hạ giá, dễ mua hơn.
Khảo sát của Thanh Niên tại một số huyện vùng ven cho thấy, so với thời kỳ đỉnh cao, giá đất nền đã giảm tương đối. Chẳng hạn, đất có sổ đỏ tại TT.Quang Minh (H.Mê Linh) một năm trước rẻ nhất cũng 25 – 30 triệu đồng/m2 thì nay đã hạ về khoảng 20 – 25 triệu đồng/m2. Hay ở H.Đan Phượng, tại TT.Phùng có thời điểm giá đất lên tới 70 – 80 triệu đồng/m2 nhưng hiện chỉ khoảng 50 – 60 triệu đồng/m2 cho vị trí đẹp, các vị trí xa trung tâm thị trấn còn khoảng 40 – 45 triệu đồng/m2. Những mảnh to từ 150 m2 trở lên giá thậm chí còn mềm hơn.
Tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Đông Anh, Gia Lâm… hay H.Văn Giang (Hưng Yên), giá đất cũng vẫn đang giảm.
Đất trang trại, biệt thự cũng “xì”
Không chỉ đất nền, đất làm trang trại vùng ven Hà Nội cũng lâm vào “thế bí”. Tại các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất… thời gian gần đây rộ lên trào lưu rao bán cắt lỗ homestay, đất trang trại. Như Thanh Niên từng đề cập, đất trang trại tại nhiều huyện vùng ven thời gian vừa qua đã “xì hơi” khoảng 30 – 40% so với thời kỳ đỉnh cao và vẫn tiếp tục giảm giá.
Anh Ngọc, một môi giới đất trang trại tại H.Sóc Sơn, thừa nhận, những ngày gần đây anh không chốt được giao dịch nào. Thị trường đã khó, lại gặp vụ sạt lở vừa rồi ở H.Sóc Sơn và các thông tin bất lợi cho đất trang trại, homestay tại đây nên gần như liệt. Đất nền cũng khó bán, giá hạ, giao dịch cũng ảm đạm.
Ở phân khúc biệt thự, liền kề tại các dự án vùng ven, tình hình cũng chưa khá khẩm hơn. Anh Phạm Quang Như, bán biệt thự tại dự án The Phoenix (H.Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, trong tháng 5 âm lịch, anh vẫn chốt được 1 căn biệt thự tại dự án này nhưng từ tháng 6 âm lịch trở ra đã không có khách hỏi mua.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lĩnh vực bất động sản trong quý 2/2023 vẫn tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2022. Giá bán của phân khúc bất động sản biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý 2/2023 tiếp tục xu hướng giảm khoảng 2 – 5% so với quý trước, có thể còn tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp.
Bộ Xây dựng thống kê, tại một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều ở Hà Nội có thể kể đến là các huyện vùng ven, ngoại thành như Q.Hà Đông, H.Mê Linh, H.Hoài Đức…
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết hiện tượng đất nền ven đô giảm giá do xu hướng giảm chung của thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, khu vực này vẫn có, nhà đầu tư nên cân nhắc phù hợp để mua gom.
“Một số có xu hướng đợi xong hạ tầng mới đầu tư, nhưng nếu đường làm xong và các huyện lên quận thì giá bất động sản, đặc biệt là đất nền, sẽ có xu hướng tăng giá cao, khó để đầu tư. Hay như một số đất nền, bất động sản dự án ăn theo hạ tầng đường vành đai 3.5, vành đai 4 ở H.Mê Linh, H.Đan Phượng, H.Văn Giang (Hưng Yên)… nếu đợi đến khi dự án triển khai mạnh thì giá đã tăng lên”, ông Đính nói.