Ngày 9/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Dẫu đạt được những kết quả khả quan song, theo báo cáo của Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát, tỷ giá. Tín dụng tăng trưởng chưa cao; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực FDI.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong các ngành công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo đột phá về năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các ngành, lĩnh vực mới nổi chưa thực sự chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới nếu không có cơ chế, chính sách đột phá. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Vấn đề ngập úng, ùn tắc, tai nạn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, ô nhiễm môi trường vẫn là thách thức lớn. Thiên tai, bão lũ, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn biến khó lường, nhất là cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng. Tình hình an ninh, trật tự ở một số địa bàn, tội phạm công nghệ cao, buôn lậu, lừa đảo qua mạng còn phức tạp.
Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu có 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó: tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,5%.
Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ đưa ra một số nhóm giải pháp như: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắcpháp lý hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức, theo dõi, thi hành pháp luật. Tổ chức triển khai tích cực các dự án luật (sửa đổi) và các dự án một luật sửa nhiều luật về đầu tư công, đầu tư, quy hoạch, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, dự trữ quốc gia, kế toán, kiểm toán độc lập, chứng khoán, quản lý thuế.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tập trung vào Chính phủ số, xã hội số, công dân số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tận dung tối đa nguyên liệu vì đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành khác.
Chính phủ cũng xác định, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi, công nghệ cao; thúc đẩy ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp. Đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe Nhân dân. Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, thực hiện hiệu quả quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị.
Đặc biệt, Chính phủ khẳng định siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm. Tiếp tục phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực; thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị và sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương.
Nguồn: https://daidoanket.vn/dat-muc-tieu-het-nam-2025-viet-nam-xep-hang-31-33-the-gioi-ve-quy-mo-gdp-10291935.html