Dữ liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy trong 10 tháng năm 2023, ngành du lịch đã ghi nhận khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế và 99 triệu lượt khách du lịch nội địa. Con số khách quốc tế này chỉ đạt 69% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nhằm tạo đột phá trong phát triển du lịch và thu hút khách quốc tế, cần áp dụng những chiến lược đổi mới cùng với việc nâng cao vai trò của ngành du lịch để đây thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.
Chiến lược phát triển du lịch toàn diện và đổi mới
Về vấn đề khách du lịch trốn lại nước ngoài, ở góc độ quản lý nhà nước, Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định về việc nghiêm cấm, xử lý các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp (DN) lữ hành theo điều 9 Luật Du lịch 2017 hay điều 07 Nghị định 45/2019/NĐ-CP đối với vấn đề khách du lịch trốn lại tại nước ngoài. Nhưng các quy định này cần được xem xét và tiếp tục điều chỉnh để không gây khó khăn cho DN. Bởi đối tượng mà các quy định trên hướng đến là DN lữ hành có khách hàng trốn tại nước ngoài, việc khách trốn lại chỉ là trường hợp bất khả kháng nằm ngoài khả năng kiểm soát hợp lý của DN. Cần xem xét và tìm hiểu các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự việc, thay vì chỉ tập trung vào xử lý DN lữ hành.
Đặt mục tiêu cao mới có thể mang lại cơ hội đột phá cho du lịch. Trong ảnh: Du khách vui chơi tại một điểm đến ở Bến Tre .Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Liên quan đến Luật Đất đai và chính sách tài chính, Luật Đất đai (sửa đổi) cần được điều chỉnh, chú ý đến vấn đề du lịch, đặc biệt là quy định về phát triển các khu du lịch, tránh tình trạng bỏ sót việc xác định đất dành cho phát triển du lịch. Luật Đất đai phải đáp ứng đúng mục tiêu của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị là đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 14%-15% vào GDP cả nước.
Đối với Nghị định 132/2020/NĐ-CP, một trong những nút thắt đang khiến nhiều DN đối mặt với khó khăn là quy định khống chế mức trần của tổng chi phí lãi vay (EBITDA) ở mức 30% theo điểm a khoản 3 điều 16. Việc này khiến cho nhiều DN khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi ngân hàng có hoạt động chuyển đổi với điều kiện rất tốt trong việc thúc đẩy DN du lịch tiếp cận vốn.
Hiện nay, vay vốn tại các tổ chức tín dụng của các DN du lịch chủ yếu thông qua hình thức vay vốn ngắn hạn, thường có thời hạn trong khoảng 6 tháng. Đối với các khoản vay dài hạn, ngoài lãi suất cao phải có tài sản thế chấp nhưng phần lớn tài sản của các DN lữ hành là sản phẩm vô hình, giá trị không lớn; các ngân hàng lại có tâm lý ngại rủi ro… nên gần như không thể tiếp cận vốn vay.
Do đó, cần tập trung phát triển du lịch theo hướng bền vững, đồng thời thực hiện việc cập nhật chiến lược phát triển du lịch. Cần tăng cường sức mạnh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển du lịch, trước mắt là việc đặt mục tiêu đón khách quốc tế cho năm 2024, không chỉ là vấn đề của việc đặt con số mục tiêu ở mức 12-15 triệu khách, mà nên nỗ lực hướng đến con số cao hơn là 18-20 triệu khách. Đặt mục tiêu cao mới có thể mang lại cơ hội đột phá, kèm theo đó là việc xây dựng chính sách và động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch.
Cú hích từ những “bộ sự kiện”
Liên quan đến việc xúc tiến du lịch, có thể ngay lập tức thực hiện cơ chế tham tán thương mại như Bộ Công Thương đang triển khai. Đồng thời, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét việc Bộ Ngoại giao áp dụng cơ chế tham tán trong lĩnh vực thương mại du lịch.
Về kinh tế ban đêm, hiện nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn khi triển khai kinh tế ban đêm, đa phần tập trung vào các hoạt động như phố đi bộ, ẩm thực nhưng chưa khai thác hết tiềm năng về văn hóa, lịch sử, đặc trưng của đất nước và đặc biệt là các tập tục của cộng đồng. Điều này hạn chế việc khai thác tối đa tiềm năng du lịch.
Kinh tế ban đêm hoàn toàn có thể kết hợp một cách hiệu quả với các sự kiện văn hóa và thể thao. Việc tổ chức sự kiện Black Pink gần đây là một minh chứng cho thấy văn hóa có khả năng tạo ra giá trị kinh tế lớn không kém gì thể thao. Ngành du lịch cần đề xuất và tổ chức các sự kiện với tầm quốc tế để thu hút du khách. Cùng với những sự kiện có tầm quốc tế và đặc sắc mang tính dân tộc, cơ quan quản lý có thể xem xét và điều chỉnh lại việc xây dựng và quản lý các sự kiện trong nước hiện tại.
Dù các bộ, ban, ngành thường tổ chức sự kiện lớn mang tầm vóc quốc gia nhưng chưa triển khai hệ thống hóa thành một bộ sự kiện. Cần thiết lập một bộ sự kiện quốc gia được công bố hằng năm, tạo cơ hội cho DN du lịch để xây dựng và tích hợp sản phẩm của họ vào. Sản phẩm du lịch đóng vai trò quan trọng trong kinh tế tổng hợp và nếu không có bộ sự kiện quốc gia này, DN sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển và cung cấp những sản phẩm mới, dẫn đến sự thiếu đổi mới trong ngành.
Đơn cử, Vietravel đã tiên phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Định đưa Giải đua vô địch thuyền máy quốc tế F1H2O về Bình Định vào tháng 3-2024. Với quy mô đa quốc gia, sự kiện này kéo theo khoảng 10.000 – 15.000 du khách quốc tế; khoảng 3.500 vận động viên các nước về thi đấu… Đồng thời, khi triển khai các bộ sự kiện quốc tế cần phải có kế hoạch xây dựng và quản lý sự kiện một cách chặt chẽ, tránh phương pháp không chuyên nghiệp, thiếu tập trung và không tận dụng hết tiềm năng, hiệu quả tối đa của sự kiện mang lại.
Làm du lịch với Xanh, Sạch, Sáng, Sống
Để quản lý điểm đến hiệu quả, đề xuất việc thiết lập chỉ tiêu theo tiêu chí GoGreen với 4 yếu tố chính: Xanh – Sạch – Sáng – Sống với mục tiêu là tạo ra môi trường du lịch xanh, sạch, sáng, và thú vị không chỉ đối với du khách mà còn cho cộng đồng địa phương.
Ngành du lịch, với tư cách là một ngành kinh tế tổng hợp, cần sự quan tâm và tham gia tích cực từ các Bộ, Ban ngành chức năng. Có thể tham khảo câu chuyện mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ về du lịch nông nghiệp để thấy rằng giữa du lịch và nông nghiệp có thể tạo ra sự kết nối tích cực, khi du lịch được quản lý một cách chặt chẽ có thể giải quyết vấn đề đầu ra của sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả.