Nếu đất khỏe, sản xuất thực phẩm sẽ an toàn, con người sẽ khỏe mạnh và thế hệ sau cũng sẽ khỏe mạnh. Do đó, cần có chiến lược tăng cường hữu cơ cho đất tầm nhìn đến năm 2050 và thậm chí có thể hơn nữa.
Quang cảnh hội nghị |
Ngày 18/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Ông Vũ Thắng – Phó Trưởng phòng Quản lý phân bón – Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050” hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng các loại đất chính, song song với sử dụng phân bón cho các cây trồng chủ lực.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, để có một bộ cơ sở dữ liệu về đất trồng trọt thì cần hệ thống lại, nghiên cứu hoàn thiện. “Chúng tôi đề xuất đến đầu 2025, các Viện nghiên cứu của Bộ, các cơ quan đã tham gia Đề án, cần chung tay hoàn thiện cơ sở dữ liệu”, ông Tin nói.
Về chất lượng đất, sức khỏe đất nói chung, hiện Việt Nam chưa có nhiều dữ liệu. Từng đối tượng cây trồng, từng vùng đất đều phải có con số cụ thể để sử dụng được, trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Mặt khác, Việt Nam đang vững bước trên con đường nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, nên càng cần có dữ liệu đất.
Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, với đặc thù 70% đất đai canh tác ở Việt Nam nằm trên địa hình dốc dẫn tới hiện tượng rửa trôi, suy thoái, kiệt quệ dinh dưỡng ở những vùng thâm canh cao; việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật cũng ảnh hưởng tới sức khỏe đất đai và cây trồng.
Đất trồng trọt bị suy giảm nghiêm trọng do tập quán canh tác trồng nhiều vụ một năm; lạm dụng các loại phân bón trong thời gian dài dẫn tới đất bị trơ cứng, mất độ tơi xốp. Tập quán canh tác độc canh lấy đi chất lượng dinh dưỡng của đất.
PGS.TS Vũ Năng Dũng – Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam nhận định: “Chúng tôi mong muốn có chương trình quốc gia nâng cao sức khỏe của đất gắn với cây trồng”.
Nói về sức khỏe đất có lẽ là khái niệm chưa rõ ràng, không phải ai cũng biết. Coi đất như là một cơ thể sống với 3 thành phần chính: vật lý đất, khoa học đất và sinh vật đất. Cần có chiến lược tăng cường hữu cơ cho đất tầm nhìn đến năm 2050 và thậm chí có thể hơn nữa.
“Nếu đất khỏe, sản xuất thực phẩm sẽ an toàn, con người sẽ khỏe mạnh và thế hệ sau cũng sẽ khỏe mạnh. Đây là việc làm lâu dài, liên tục”, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam phát biểu.
Ông Dũng khẳng định, nếu được Bộ chấp thuận, nửa đầu năm 2025, Hội sẽ hoàn thành nhiệm vụ thống kê, phân loại đất của Việt Nam; cuối 2025 sẽ hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sức khỏe đất cùng với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa – nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho biết, đề án cần khai thác tiềm năng từ các doanh nghiệp về sữa và phân bón, bởi các doanh nghiệp này có nguồn phân bón hữu cơ rất lớn và dành nhiều nghiên cứu để sản xuất các loại phân bón hiệu quả.
Hiện nay, ông Nguyễn Đăng Nghĩa đã soạn thảo 6 bộ công thức phân bón hữu cơ, tuy nhiên, thủ tục kiểm nghiệm công thức phân bón hữu cơ ở Việt Nam còn hạn chế, thời gian xử lý lâu, chi phí cao và quy trình phức tạp. Điều này khiến doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị nhỏ e ngại và cản trở sự phát triển bền vững của ngành phân bón hữu cơ.
Vì vậy, ông Nghĩa mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ủng hộ mạnh mẽ để hỗ trợ về cơ chế chính sách, thủ tục, từ đó khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia đóng góp cho Đề án.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung cho biết, sức khỏe đất đang là vấn đề được cả Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Hiện nay, tập quán thâm canh, chuyên canh, sử dụng không cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm đất do sự phát triển của các khu công nghiệp, làng nghề, biến đổi khí hậu đã làm sức khỏe đất bị suy giảm nghiêm trọng.
Thứ trưởng Hoàng Trung giao giao nhiệm vụ cho Cục Trồng trọt phối hợp Cục Bảo vệ thực vật phải đánh giá được kỹ càng từng loạt đất ở từng địa phương, từ đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xem đất nào hợp cây nào. Việc này cũng sẽ góp phần thay đổi tập quán canh tác theo hướng tích cực.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Cục Trồng trọt, tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở. Đây chính là yếu tố then chốt đưa đề án vào cuộc sống.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/dat-khoe-san-xuat-thuc-pham-se-an-toan-156870.html